Thứ 6, 29/03/2024 13:41:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:38, 08/01/2020 GMT+7

Phải kiên quyết với “ma men”

T.H
Thứ 4, 08/01/2020 | 08:38:00 232 lượt xem
BPO - Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 7.624 người chết, 13.624 người bị thương và 8.528 người bị thương nhẹ. Như vậy, trung bình mỗi ngày ở nước ta có 21 người chết vì TNGT.

Bình Phước tuy là tỉnh miền núi, biên giới nhưng tình hình TNGT cũng diễn biến phức tạp. Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 252 vụ, làm chết 166 người, 47 người bị thương. Như vậy, trung bình ở Bình Phước cứ 1 tuần lại có 3 người ra đường nhưng chẳng bao giờ trở về. Đây quả là những con số thực sự khủng khiếp và đáng lo sợ. Bởi những người ra đi vì TNGT hầu hết đang trong độ tuổi lao động. Và đó là chưa kể tới những người bị thương, tàn phế, chấn thương sọ não nằm một chỗ không thể tự sinh hoạt mà phải có người khác hỗ trợ, phục vụ những sinh hoạt cá nhân tối thiểu nhất. Vì thế, TNGT đã và đang để lại nỗi đau cho biết bao gia đình và là gánh nặng cho toàn xã hội.

Do vậy, đã đến lúc cần có chế tài mạnh mẽ và được thực thi một cách quyết liệt để kiềm chế, đẩy lùi TNGT. Và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ra đời, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 là rất cần thiết, kịp thời. Trên các phương tiện thông tin đại chúng mấy ngày nay cho thấy, lực lượng cảnh sát giao thông ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đang ra quân thực thi nghị định này và đã có không ít trường hợp điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia bị phạt cao nhất tới 40 triệu đồng. Với mức phạt tăng cao đối với tất cả hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã và đang có tác dụng tích cực. Nhiều nhà hàng ở các thành phố lớn đã giảm thực khách. Thậm chí ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không ít nhà hàng đã phải tổ chức dịch vụ đưa đón thực khách miễn phí.

Tuy nhiên, hiện vẫn có không ít người cố tình vi phạm. Có người khi được cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn, chẳng những họ không tuân thủ mà còn cố thủ trong xe. Chưa hết, có người còn cố tình nhấn ga xe nhằm chạy trốn hoặc bỏ của chạy lấy người... Thậm chí có trường hợp không chịu đo nồng độ cồn lại còn dở thói côn đồ đánh cảnh sát giao thông. Trước thực tế này, có nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiên quyết và xử lý nghiêm hơn nữa những người có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, những người cố tình không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của công an và việc xử lý này dứt khoát không “đánh trống bỏ dùi”, không chạy theo phong trào...

Từ trước đến nay đã xảy ra rất nhiều vụ TNGT thương tâm, mà nguyên nhân là do “ma men” cầm lái và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân vô tội. Vì thế, nếu ngay từ bây giờ không xử lý nghiêm, không kiên quyết với tình trạng thiếu ý thức trong chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thì đến khi nào mới có thể ngăn chặn được “ma men” lái xe? Và nếu không cấm tuyệt đối thì sẽ có rất nhiều lý do để “ma men” tiếp tục uống, sau đó vẫn ôm vô lăng, rồi lại sẽ xảy ra nể nang, thỏa hiệp. Và đó chính là hiểm họa cho mạng sống của rất nhiều người vô tội khi bước chân ra đường để tham gia giao thông. Đã đến lúc không thể thỏa hiệp với “ma men”, kiên quyết không thỏa hiệp với những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu