Thứ 3, 16/04/2024 18:06:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:26, 24/05/2019 GMT+7

KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Phải ưu tiên trả nợ lương cho người lao động và nộp thuế

Thứ 6, 24/05/2019 | 17:26:00 1,006 lượt xem

BPO - Luật Thuế hiện nay quy định khi doanh nghiệp phá sản thì trả nợ vốn vay ngân hàng là ưu tiên 1, nộp ngân sách nhà nước là ưu tiên thứ 2. Quy định như vậy là không phù hợp, vì phải là ưu tiên nộp thuế trước. Đây là ý kiến của Phó đoàn đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh khi phát biểu ý kiến về Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, điều 27 của dự án luật đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc quản lý thuế nhưng việc trích tiền qua ngân hàng rất khó khăn và hạn chế, thực hiện chưa đạt mục tiêu đề ra. Bởi vì trong thực tế có những trường hợp biết được thông tin đã rút hết số tiền có trong tài khoản mà cơ quan quản lý thuế không thể xử lý được.

Vì vậy, luật phải quy định cụ thể về thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Theo đó, ưu tiên số 1 là giải quyết lương và chế độ chính sách cho người lao động, thứ 2 là trích nộp thuế, thứ 3 chi trả các khoản thế chấp qua ngân hàng, sau đó phần còn lại mới giải quyết các khoản nợ khác theo thứ tự đăng ký với tòa án….

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh trả lời báo chí bên lề kỳ họpĐại biểu Tôn Ngọc Hạnh trả lời báo chí bên lề kỳ họp

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cũng cho rằng, tiền thuế là của ngân sách nhà nước, nếu không thu được thì thất thu ngân sách. Còn vốn của các ngân hàng thương mại có 2 khoản bù đắp, đó là bảo hiểm tiền gửi và trích dự phòng rủi ro trong các khoản vay của khách hàng.

 Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho biết thêm nợ đọng thuế cả nước hiện hơn 83.000 tỷ đồng, trong đó nợ mất khả năng thu khoảng 37.000 tỷ đồng. Nếu triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp sẽ thu về ngân sách một khoản rất lớn từ nguồn này.

Theo quy định thì cá nhân, tổ chức đã thế chấp tài sản ngân hàng thì ngân hàng có quyền kê biên khi cá nhân, tổ chức không còn khả năng chi trả theo hợp đồng dân sự đã ký thỏa thuận, cho nên các ngân hàng thương mại có thể cố tình né tránh trách nhiệm cùng phối hợp với các cơ quan quản lý thuế để thực hiện việc trích tiền nộp vì ảnh hưởng quyền lợi của mình. Vì vậy, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị cần phải luật hóa để có cơ sở pháp lý xử lý các tổ chức vi phạm. 

Đại biểu Huỳnh Thành Chung phát biểu thảo luận tại hội trườngĐại biểu Huỳnh Thành Chung phát biểu thảo luận tại hội trường

Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng đang có biểu hiện xung đột về chính sách, quyền lợi giữa nguồn thu hồi về ngân sách nhà nước và nguồn tiền vay của tổ chức cá nhân qua tài sản thế chấp. Do đó, việc trích tiền nộp thuế vào ngân sách nhà nước qua các ngân hàng thương mại rất hạn chế, chưa thật sự hiệu quả….

Đại biểu Huỳnh Thành Chung cho rằng, trong sửa đổi luật cần có các quy định chặt chẽ để khắc phục tình trạng này, chống thất thu thuế nhằm tập hợp nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước.

Sau phiên thảo luận này, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý và dự kiến trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 12-6 tới.

Trần Thể

  • Từ khóa
27933

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu