Thứ 6, 26/04/2024 00:31:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:34, 28/04/2016 GMT+7

Pháp luật ở đâu?

Thứ 5, 28/04/2016 | 13:34:00 167 lượt xem

BP - Những ngày qua, dư luận cả nước nóng lên trước sự việc cá bị nhiễm độc chết hàng loạt dọc 208km bờ biển miền Trung, kéo dài từ Hà Tĩnh, qua Quảng Bình, Quảng Trị, tới Thừa Thiên Huế. Ngay sau đó, ngư dân khi truy tìm nguyên nhân, đã phát hiện ra ống xả thải bằng sắt, đường kính 1,2m của Khu liên hợp Formosa ở Hà Tĩnh, cắm sâu xuống lòng biển đang phun ra thứ nước vàng đục, nhừa nhựa, có mùi hôi thối. Tại Bình Phước, khắp nơi trong tỉnh nóng lòng theo dõi thông tin liên quan, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của vụ việc mà đó còn là quê hương của nhiều người đi xây dựng kinh tế mới.

Trong khoảng thời gian này, như Báo Bình Phước đã đưa tin, từ đầu tháng 4, nhân dân khu phố 4, thị trấn Chơn Thành phát hiện nước thải do Công ty liên doanh Medevice 3S thải ra mương thoát nước đặc như cháo bột, dày khoảng 20cm, có khu vực dày tới 40cm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mương dẫn nước ngang qua khu dân cư và trường mầm non nên ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là trẻ em.

Hàng tấn cá, trong đó có những con nặng tới 35kg, sống ở tầng sâu 40m dưới mặt nước biển đã chết vì bị nhiễm độc trôi dạt vào bờ biển miền Trung khiến không chỉ hàng vạn ngư dân mà cả những nhà hải dương học ở Việt Nam phải giật mình. Bởi biển cả bao la, chất độc đã thải ra phải khủng khiếp đến mức nào mới có thể “đầu độc” được biển? Thủy sản nuôi trồng trên biển cũng nhiễm độc chết hàng loạt khiến bao ngư dân điêu đứng, phá sản...

Những thông tin này tạo nên một đợt “sóng” dư luận dữ dội phải tìm ra bằng được thủ phạm hủy hoại môi trường biển nước ta. Một lần nữa, hàng loạt câu hỏi được nêu lại: Vì sao doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan thường xuyên bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam? Bộ máy nhà nước có cả một hệ thống cơ quan chức năng từ trung ương đến cấp huyện về quản lý, bảo vệ môi trường... nhưng vì sao hầu hết những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đều do nhân dân hoặc báo chí phát hiện? Vì sao trước khi bị nhân dân, báo chí “vạch mặt”, những doanh nghiệp này luôn được đánh giá chấp hành đúng quy định về bảo vệ môi trường? (Medevice 3S, mới 3 tháng trước, ngày 25-1-2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Phước thanh tra đã kết luận công ty này thực hiện tốt biện pháp bảo vệ môi trường)... Vì sao cá chết hàng loạt nhiều ngày vì bị nhiễm độc, nhưng chỉ đến khi ngư dân phát hiện đường ống phun ra thứ nước vàng đục, nhừa nhựa, có mùi hôi thối kinh khủng kia cắm sâu trong lòng biển và được báo chí phản ánh, những người có trách nhiệm của cơ quan chức năng mới “gật gù” xem xét “vấn đề Formosa”?...

Mặc dù chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về việc Formosa có phải là thủ phạm gây ra ô nhiễm trên một vùng biển rộng lớn hay không, nhưng xem lại một vài đoạn “tiểu sử” của doanh nghiệp này, hẳn nhiều người phải “run rẩy”: Tháng 10-2014, lao động Trung Quốc làm việc tại công trường dự án Formosa 4.154 người, “vành ngoài” Formosa 114 người, trong số đó chỉ có 1.400 người được cấp phép, còn lại 2.868 người “làm chui”. Từ đầu năm 2016, hàng loạt xe ben từ công trường Formosa nối đuôi nhau ngang nhiên đổ hàng trăm tấn rác thải nguy hại ra khu vực đất trống ngay trong dân cư lân cận gây bất bình dư luận cả nước trong suốt tháng 3... Vì sao Formosa có thể “lộng hành” như thế?

Còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề chấp hành pháp luật về môi trường ở nước ta, trong đó có Bình Phước. Và những người, những cơ quan có trách nhiệm không thể cứ “điếc” mãi trước những câu hỏi nóng bỏng của nhân dân!.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu