Thứ 6, 26/04/2024 04:55:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:23, 27/05/2019 GMT+7

Pháp lý, đạo lý trong tín dụng và kinh doanh

Thứ 2, 27/05/2019 | 10:23:00 223 lượt xem

>> [Video] Chính phủ cần quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính
>> Chính phủ cần quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính
>> Luật phải bổ sung cơ chế quản lý rủi ro cho người tham gia bảo hiểm

>> [Video] Luật phải bổ sung cơ chế quản lý rủi ro cho người tham gia bảo hiểm
>> Thư viện phải liên thông để chia sẻ tư liệu quý

BP - Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, góp ý đối với Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Phó trưởng Đoàn đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh cho rằng: Luật Thuế hiện nay quy định khi doanh nghiệp phá sản trả nợ vốn vay ngân hàng ưu tiên thứ nhất, nộp ngân sách nhà nước ưu tiên thứ hai là không phù hợp.

Vì thế, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị luật quy định về thứ tự ưu tiên thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thì ưu tiên thứ nhất phải là giải quyết lương và chế độ, chính sách cho người lao động; thứ hai trích nộp thuế; thứ ba chi trả các khoản thế chấp qua ngân hàng, sau đó phần còn lại mới giải quyết các khoản nợ khác theo thứ tự đăng ký với tòa án... Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cũng lập luận vì sao phải xác định ưu tiên theo trật tự như vậy...

Có thể thấy, đề nghị của đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đã điểm trúng một trong những vấn đề gây ra tắc nghẽn khi xử lý mối quan hệ ngân hàng - khách hàng với các mối quan hệ tài chính khác của khách hàng ngân hàng khi doanh nghiệp gặp vấn đề về tài chính. Thực tế từng xảy ra nhiều trường hợp khi doanh nghiệp ngưng hoạt động, thua lỗ hay phá sản, đối tượng luôn “cầm dao đằng chuôi” là ngân hàng, còn lại các đối tượng khác phải cầm “đằng lưỡi”. Bởi đơn giản ngân hàng là nơi giữ tiền của doanh nghiệp, cũng là đối tượng đầu tiên được quyền thu hồi nợ, xiết tài sản của doanh nghiệp. Và có rất nhiều công nhân bị doanh nghiệp nợ lương đã trắng tay không được trả đồng nào, cơ quan bảo hiểm không thu được tiền bảo hiểm cho người lao động, Nhà nước không thu được thuế, đối tác đòi nợ doanh nghiệp trong vô vọng...

Không hoàn toàn, nhưng đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế đang là bài toán nan giải ở nước ta. Doanh nghiệp cả nước đang nợ thuế hơn 83.000 tỷ đồng, trong đó nợ mất khả năng thu khoảng 37.000 tỷ đồng. Nợ bảo hiểm xã hội ngày một tăng, ở tất cả tỉnh, thành, tất cả thành phần kinh tế. Đến tháng 3-2019, tổng nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi trong cả nước 6.654 tỷ đồng, trên địa bàn Bình Phước tổng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 140,984 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến trường hợp nợ lương hay doanh nghiệp dùng thủ thuật o ép để xù tiền bảo hiểm, xù tăng lương của người lao động. Trong khi đó, người lao động đi đòi nợ, kiện doanh nghiệp ra tòa yêu cầu trả nợ lương, trả bảo hiểm chẳng khác nào con kiến đi kiện củ khoai và chờ được vạ thì má đã sưng...

Về nguyên tắc, ngân hàng cho vay vốn phải qua thẩm định của chính ngân hàng. Việc cho vay hay không hoàn toàn thuộc quyền của ngân hàng. Xét thấy đề nghị vay không khả thi hoặc khó thu hồi vốn, ngân hàng có quyền từ chối. Nói như vậy để thấy, việc kinh doanh của doanh nghiệp thành công hay không thành công có đánh giá và có cả sự hợp tác của ngân hàng. Nếu đánh giá không chính xác, ngân hàng phải chịu trách nhiệm về đánh giá, về sự hợp tác đó - chấp nhận rủi ro. Và đây là lý do hoạt động của ngân hàng luôn có dự phòng rủi ro. Nhà nước hay người lao động không có quyền và trách nhiệm đi kèm như thế. Đó là về pháp lý. Còn về đạo lý xã hội, “nhà giàu” (ngân hàng - tổ chức kinh doanh tiền tệ) mà lại được ưu tiên bảo vệ trước, rồi mới tới Nhà nước và “nhà nghèo” (người lao động) thì không phù hợp chút nào.

Vì thế, nếu luật sửa đổi theo hướng đề nghị của đại biểu Tôn Ngọc Hạnh sẽ đem lại tin vui rất lớn cho đại đa số người lao động và nhiều đối tượng khác trong xã hội.

Trần Phương

  • Từ khóa
109111

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu