Thứ 6, 26/04/2024 21:14:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 12:17, 19/05/2015 GMT+7

Phát biểu của Bí thư tỉnh ủy tại Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 3, 19/05/2015 | 12:17:00 4,954 lượt xem
BPO - Sáng nay, 19-5-2015, tại hội trường tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2015); biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Binhphuoc online trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Tấn Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại lễ kỷ niệm.

>> Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuyên dương 89 tập thể, cá nhân điển hình học, làm theo Bác 


 

Kính thưa đồng bào, đồng chí!

Hôm nay, trong không khí tự hào của những ngày lịch sử: Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 61 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; hòa trong khí thế của cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Tỉnh ủy long trọng tổ chức kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.  

Tại lễ kỷ niệm này, Tỉnh ủy tổ chức biểu dương tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013-2015.

Thay mặt Tỉnh ủy, tôi xin gửi đến toàn thể các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Kính thưa đồng bào, đồng chí!

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc còn nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, khi hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19-5-1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra và lớn lên vào lúc đất nước trong đêm đen nô lệ, chứng kiến cuộc sống lầm than, cực khổ của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân phong kiến tàn bạo và những thất bại của các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu và các nhà yêu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Rời bến Nhà Rồng vào ngày 5-6-1911, sau gần 10 năm bôn ba, Người đã đi đến nhiều châu lục, tìm hiểu về chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở nhiều nước tư bản và thuộc địa. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác Lê-nin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Có thể nói, Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác Lê Nin như một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với học thuyết cách mạng và khoa học của thời đại.

Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức cộng sản đoàn làm nòng cốt, đào tạo cán bộ để lãnh đạo hội và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào Việt Nam. Năm 1929, ba tổ chức cộng sản là: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã ra đời ở Việt Nam. Ngày 3-2-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta.

Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ. Năm 1941, Người về nước và triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội, tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước

 Cách mạng tháng Tám thắng lợi, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”. Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng còn non trẻ của nước ta cùng một lúc phải đối mặt với “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, phức tạp; thù trong, giặc ngoài chống phá, cách mạng nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối, chiến lược, sách lược lãnh đạo toàn dân tộc, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua cơn hiểm nghèo, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng.

Tại đại hội lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Người đã cùng Đảng ta lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960 đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Kính thưa đồng bào, đồng chí! Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2-9-1969, hưởng thọ 79 tuổi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời của một chiến sĩ cộng sản trọn đời vì nước, vì dân, là biểu tượng của khí phách anh hùng, ý chí độc lập tự cường, kiên trì lý tưởng, sáng tạo và quyết thắng, không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù. Người là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính, kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

 Năng lực nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tầm trí tuệ cao, tri thức uyên bác, nhìn xa trông rộng, giải quyết mọi công việc trên phương pháp biện chứng với một trái tim nhân ái của người cộng sản.

Đạo đức nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lòng nhân ái bao la đối với mọi lớp người lao động; là đức tính suốt đời trung với Đảng, với nước, hiếu với dân; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là tấm lòng trong sáng, thủy chung trong mối quan hệ quốc tế vì hòa bình, hữu nghị, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác và phát triển.

 Lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lối sống của một nhà văn hóa kiệt xuất và của một nhà hoạt động chính trị luôn luôn có khát vọng vươn tới những chuẩn mực của chân, thiện, mỹ. Đó là lối sống giản dị, thiết thực, hòa đồng, thân thiện với thiên nhiên và xã hội, ung dung, thư thái. Đó là lối sống cởi mở, chan hòa, chân thành, trung thực trong ứng xử với mọi người; luôn chú tâm rèn luyện, rèn luyện hằng ngày như một nếp tự nhiên, không gượng ép; làm chủ bản thân mình trong mọi hoàn cảnh.

 Tác phong nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phong gần dân, hiểu dân, vì dân; sâu sát, tỷ mỉ, ngăn nắp trong công việc; tác phong làm việc một cách dân chủ, khoa học, trách nhiệm cao. Đó là tác phong luôn luôn có ý thức đổi mới và luôn luôn đổi mới. Đó là tác phong gương mẫu trong cuộc sống hàng ngày, “khổ trước thiên hạ và vui sau thiên hạ”…

Kính thưa đồng bào, đồng chí !

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó đặc biệt là tư tưởng đạo đức cách mạng. Toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với tư tưởng đạo đức cách mạng mà Người là tấm gương tiêu biểu và sinh động. Đối với Đảng ta, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đạo đức luôn là điểm tựa, là nền tảng để Đảng lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhân tố quan trọng là Đảng đã đào tạo được rất nhiều cán bộ, đảng viên anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau. Chính vì lẽ đó, mà Đảng ta đã được nhân dân thừa nhận, tôn vinh: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là sức mạnh cội nguồn của Đảng, mà chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có được.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là để xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; làm cơ sở để phòng, chống và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và những tiêu cực xã hội hiện nay.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là qua học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo bốn chủ đề: về “suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc, tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”, về “phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; “về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”; “về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân, đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”... đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, yêu cầu và sự cần thiết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ý thức tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống của đa số cán bộ, đảng viên được nâng lên. Đại đa số cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đã nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của bản thân đối với việc nêu gương; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ từ những việc hàng ngày để cấp dưới và quần chúng làm theo.

Việc triển khai, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị:

Ở các đảng bộ trực thuộc, các xã, phường, thị trấn, đã lồng ghép học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua yêu nước như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xóa đói giảm nghèo, hiến đất làm đường giao thông… đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí… Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia, góp phần tích cực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, đã phát huy tinh thần tận tụy với công việc, tấm lòng thương yêu, chăm lo cho người nghèo, cho hội viên gặp khó khăn với nhiều hình thức phong phú như: Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, giúp nhau làm kinh tế gia đình, Hội cựu chiến binh phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", Đoàn thanh niên với cuộc vận động “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”...

Trong đội ngũ trí thức, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, đi đầu trong cải tiến phương pháp làm việc, năng động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Trong lực lượng vũ trang, điểm nổi bật là ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ, gắn bó với nhân dân, tinh thần tự lực, khắc phục khó khăn, có nhiều sáng tạo và mô hình hay trong thực hiện học tập làm theo lời Bác.

Trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, biểu hiện rõ là: Tính năng động, sáng tạo, thực hành tiết kiệm, khắc phục khó khăn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, chuyển biến lớn nhất của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là ý chí vươn lên, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế, thoát cảnh đói nghèo.

Trong đồng bào các tôn giáo, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với sống “tốt đời, đẹp đạo”, nhiều người tu hành và đông đảo đồng bào có đạo đã tích cực hưởng ứng các phong trào từ thiện, nhân đạo.

Những việc làm trên, một lần nữa khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang trở thành việc làm thường xuyên; tạo chuyển biến mạnh mẽ tích cực trong việc làm theo.

 Qua việc bình chọn từ cơ sở và tổ chức biểu dương từ các huyện, thị, đảng ủy trực thuộc đã có hàng trăm tập thể và cá nhân được biểu dương, khen thưởng. Chúng ta vui mừng vì có được kết quả mang ý nghĩa quan trọng trong chuyển biến hành động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong lễ biểu dương này, các tập thể và cá nhân đã có nhiều việc làm tốt, hiệu quả về thực hành đạo đức, xứng đáng được trân trọng, đại diện cho tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Từ cụ già trên 80 tuổi với 65 năm tuổi Đảng, đến thanh niên 27 tuổi đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Họ xứng đáng là những bông hoa tiêu biểu trong vườn hoa làm theo lời Bác.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua.

Kính thưa đồng bào, đồng chí.

Năm 2015 là năm thứ tư thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, của dân tộc. Nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh là tập trung phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một trong những giải pháp quan trọng.

 Các cấp ủy đảng cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; luôn kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; làm tốt hơn nữa công tác phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Sau lễ biểu dương hôm nay, tôi đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn nữa gương các tập thể, cá nhân với nhiều hình thức, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, để mọi người học tập và làm theo. Tiếp tục bồi dưỡng, phát hiện những tập thể, cá nhân điển hình mới. Các tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần được trân trọng, phát huy và nhân rộng.

Kính thưa đồng bào, đồng chí.

Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Người, một lần nữa chúng ta khẳng định những cống hiến vĩ đại, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Chúng ta nguyện mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

  • Từ khóa
13147

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu