Thứ 6, 26/04/2024 00:38:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:43, 08/11/2018 GMT+7

Phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật

Thứ 5, 08/11/2018 | 14:43:00 859 lượt xem
BP - Phát hiện và can thiệp sớm được biết đến là các dịch vụ góp phần làm giảm tỷ lệ, mức độ khuyết tật ở trẻ em từ 0-6 tuổi. Đây là một trong những hoạt động hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi và gia đình trẻ bằng mô hình can thiệp toàn diện. Ở Việt Nam, các hoạt động này đã được triển khai tại một số tỉnh, thành, trong đó có Bình Phước.

Cần phát hiện để can thiệp sớm

Theo thống kê chưa đầy đủ, Bình Phước hiện có khoảng 12.000 người khuyết tật, trong đó một lượng không nhỏ là trẻ từ 0-6 tuổi. Dù đã có nhiều chế độ, chính sách trợ giúp người khuyết tật được thực hiện kịp thời, đúng quy định, tạo điều kiện để nhiều người vươn lên tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội nhưng các hoạt động phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ từ 0-6 tuổi vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi lợi ích của phát hiện và can thiệp sớm lại rất lớn.

Cán bộ dự án thăm khám sàng lọc khuyết tật cho trẻ em Trường mầm non xã Đồng Tiến (Đồng Phú)

Một ngày cuối tháng 9-2018, cùng các cán bộ y tế xã, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Tính ở đội 5, ấp 1, xã Đồng Tiến (Đồng Phú). Trong căn nhà đơn sơ, chị Tính vừa trông con vừa tranh thủ che chắn một góc nhà để tránh mưa dột. Con gái Như Ý của chị bị bại não từ khi mới sinh ra. Không có khả năng tự nhai, nuốt, lại không ý thức được về mọi thứ xung quanh, thế nên mọi việc chăm lo cho con, từ ăn uống, vệ sinh đến các sinh hoạt hằng ngày đều do chị lo liệu. Do hoàn cảnh khó khăn nên tiếp cận các mô hình, dịch vụ xã hội đối với gia đình chị là việc xa vời. Mong muốn của chị đơn giản là con biết ngồi, biết đi, nhưng làm sao để Như Ý được như vậy thì chị lại hoàn toàn không biết cách. Chị Tính cho biết: “Lúc sinh ra cháu đã không biết bú, đến giờ toàn phải uống sữa ngoài. Khi con khóc mới ép được muỗng cơm, muỗng cháo chứ bình thường cháu không chịu nuốt. Chồng đi làm rẫy cả ngày, tôi phải ở nhà trông con”.

Gia đình anh Hoàng Doãn Tiền ở ấp 4, xã Đồng Tiến cũng có con bị khuyết tật. Anh Tiền là bộ đội của đơn vị K882, thuộc Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật, còn vợ là công nhân Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú. Sinh được 2 người con nhưng con gái lớn của anh không may mắc bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể số 21, gây ra hội chứng down. Khi con hơn 1 tuổi, anh mới thấy các phản ứng của con chậm, không nhận biết được tiếng động. Đưa con đi nhiều nơi để khám chữa nhưng thời gian và tiền bạc có hạn nên đến nay gia đình anh không thể làm được gì hơn.

Thúc đẩy hòa nhập  xã hội

Có thể thấy nhu cầu về phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật từ 0-6 tuổi đang rất lớn, từ phía gia đình trẻ khuyết tật lẫn các cấp chính quyền. Nắm bắt nhu cầu đó, Dự án “Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật” nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật từ 0-6 tuổi và gia đình thông qua việc triển khai mô hình toàn diện về phát hiện sớm, can thiệp sớm đã ra đời. Dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (VietHealth - thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện. Các hoạt động của dự án không chỉ giúp tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt về phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ từ 0-6 tuổi mà còn hướng tới mục tiêu triển khai thành công mô hình phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ dưới 6 tuổi tại các địa bàn. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về khuyết tật trẻ em và mô phát hiện sớm - can thiệp sớm, thúc đẩy việc áp dụng mô hình quy mô toàn quốc. Hiện dự án đã thực hiện tại một số tỉnh trên cả nước như: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước và khu vực phía Bắc, bước đầu mang lại những hiệu quả đáng khích lệ.

Ông Lê Quang Dương, Giám đốc VietHealth cho biết, dự án tập trung xây dựng năng lực cho các đối tác của địa phương, gồm 3 đối tượng: ngành y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội. Một điểm được chú trọng đặc biệt là việc trang bị kiến thức và kỹ năng cho phụ huynh để họ có thể can thiệp cho chính con em mình tại nhà. Phụ huynh ở đây không chỉ riêng cha mẹ mà còn có cả ông bà.

Mục tiêu của dự án, đến năm 2022: Sẽ có trên 5.000 bác sĩ, kỹ thuật viên, cán bộ y tế, giáo viên mầm non, cha mẹ trẻ khuyết tật được triển khai mô hình phát hiện sớm và can thiệp sớm. Trên 170.000 trẻ sẽ được sàng lọc và ước tính trên 7.500 trẻ sẽ được đánh giá và phân loại khuyết tật. Khoảng 2.400 trẻ khuyết tật trí tuệ ở mức độ nhẹ và nặng sẽ được can thiệp và khoảng 500 trẻ sẽ được chuyển tuyến đến các trung tâm, bệnh viện chuyên nghiệp để can thiệp sớm và phẫu thuật. Việc phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ từ 0-6 tuổi không chỉ có ý nghĩa đảm bảo và tăng cường sự phát triển cá nhân của trẻ mà còn góp phần nâng cao năng lực cho gia đình và thúc đẩy hòa nhập xã hội. Đồng Phú là huyện đầu tiên của Bình Phước được chọn để tham gia dự án. Theo kế hoạch, thời gian tới, dự án sẽ được nhân rộng ở các huyện, thị xã khác trên địa bàn tỉnh.

Hải Đường

  • Từ khóa
61382

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu