Thứ 5, 28/03/2024 17:47:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:43, 20/11/2014 GMT+7

CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11

Nhà giáo ưu tú Huỳnh Công Khanh: Một đời tâm huyết với giáo dục

Thứ 5, 20/11/2014 | 10:43:00 1,058 lượt xem
BP - Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Khanh sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Những gì ông cống hiến cho ngành giáo dục 37 năm qua đã khắc sâu vào tâm trí bao thế hệ học trò, cán bộ, giáo viên trong tỉnh.

Nhà giáo ưu tú Huỳnh Công Khanh sinh ngày 20-11-1954 và cũng là ngày mà Đảng, Nhà nước ta chọn làm Ngày nhà giáo Việt Nam. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên và cũng rất ý nghĩa.

Những kỷ niệm đáng nhớ

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế ngành Lý - Hóa, năm 1977, thầy Huỳnh Công Khanh được điều động vào công tác tại trường Cấp 2-3 Phước Vĩnh, huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé cũ. Năm 1997, tái lập tỉnh Bình Phước, thầy về nhận nhiệm vụ tại Sở GD-ĐT Bình Phước với chức vụ Trưởng phòng Giáo dục phổ thông. Năm 2000, sau 23 năm tâm huyết với ngành, thầy được phong tặng Nhà giáo ưu tú và giữ chức Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho đến nay.

Thầy Huỳnh Công Khanh

Trong 37 năm gắn bó với nghề thì những năm tháng ở mái trường Phước Vĩnh để lại nhiều dấu ấn đậm nét và có những bài học kinh nghiệm cho công việc quản lý sau này. Thầy Khanh kể: Thuở mới vào nghề, do đam mê làm thí nghiệm, nhưng trang thiết bị chưa có nên tự sáng chế ở nhà. Trong một lần chuẩn bị bài thí nghiệm, do sơ suất để các ốc vít rơi vãi, con trai (lúc đó mới 2 tuổi) nhặt và nuốt. May vợ lấy cơm cho con nuốt trôi. Cũng trong bài thí nghiệm hóa học, lúc ở nhà thử nghiệm thành công, nhưng lên lớp đốt lại không cháy do gió to... Đó là những kỷ niệm đáng nhớ mà sau này thầy thường nhắc nhở đồng nghiệp làm việc gì cũng không được chủ quan và phải lường trước mọi rủi ro. Và đó cũng là bài học mà trong suốt 14 năm làm quản lý, thầy chưa bao giờ để xảy ra sai sót trong thi cử.

Tận tụy với nghề

Thầy Huỳnh Công Khanh cho biết: “Trong thời gian còn đứng lớp, tôi luôn cập nhật cho mình kiến thức mới, những phương pháp, cách dạy hay để truyền đạt cho học sinh dễ hiểu. Đã chọn nghề giáo thì phải phấn đấu, rèn luyện, làm gương cho học trò, khi làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ mình là thầy thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Học trò cũ của thầy từ lớp 9 đến lớp 11, ông Trần Ngọc Trai, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tài chính nhận xét: “Những năm sau giải phóng, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng thầy Khanh luôn miệt mài bám lớp bám trường, thương yêu, tận tình chỉ bảo, giúp đỡ học trò và là thầy giáo giỏi, tâm huyết nhất lúc bấy giờ. Cho đến nay, trong vai trò quản lý, thầy làm việc có trách nhiệm, luôn trăn trở với ngành”.

Các thế hệ học trò của thầy Khanh nhiều người nay đã thành đạt, ngoài ông Trần Ngọc Trai còn nhiều người khác cũng giữ những chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp của tỉnh và tất cả họ dù đi đâu, làm gì vẫn luôn yêu quý, kính trọng thầy.

Là Phó giám đốc sở, những năm qua, thầy Khanh đã tạo được sự đoàn kết nhất trí cao trong nội bộ cơ quan. Thầy luôn vui vẻ, hòa đồng và đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu. Thầy cho rằng, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ cấp sở là ngọn đèn soi cho cấp dưới. Lãnh đạo nói một thì phải nghĩ mười, làm mười, lãnh đạo không phải chỉ biết một việc mà phải biết nhiều việc mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. 12 năm sát cánh với thầy Khanh, thầy Nguyễn Châu Vĩnh, Trưởng phòng Giáo dục dân tộc (Sở GD-ĐT tỉnh) nhận xét: Thầy Khanh là người lãnh đạo mẫu mực, hết lòng vì công việc, đức tài trọn vẹn. Trong công việc, thầy đều hoàn thành xuất sắc, với đồng nghiệp thầy thương yêu, quý trọng như người trong nhà. Tôi học tập ở thầy rất nhiều điều: Tận tụy, tâm huyết với nghề; gần gũi, giản dị với đồng nghiệp, cách sống cần - kiệm - liêm - chính và mẫu mực.

Và những thành quả

Bình Phước mới tái lập, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song nhờ một phần công lao cống hiến của các thầy, cô giáo, trong đó có vai trò quan trọng của thầy Khanh mà vị thế giáo dục tỉnh từng bước được khẳng định. Công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được công nhận đạt chuẩn và phấn đấu đến năm 2015 công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục - Đào tạo đánh giá cao, đặc biệt là tỷ lệ học sinh đậu đại học đạt điểm cao, học sinh giỏi cấp quốc gia ngày một tăng. Hệ thống trường lớp được phủ kín trong toàn tỉnh và ngày càng được kiên cố hóa. Đặc biệt là hệ thống các trường THPT đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt huyết, năng động, yêu nghề, trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỷ lệ cao. Tuy vậy, thầy vẫn còn điều trăn trở, băn khoăn. Đó là một số trường tiểu học ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn có cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, chưa đảm bảo, các cháu vẫn chưa được hưởng thụ thành quả của nền giáo dục hiện đại. Thầy Khanh mong rằng, đã xem giáo dục là quốc sách hàng đầu thì không chỉ nói mà Nhà nước phải đầu tư thực sự...

Gần 40 năm tâm huyết với giáo dục, thầy được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của Bộ GD-ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh.

                                Vũ Thuyên

  • Từ khóa
84726

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu