Thứ 6, 29/03/2024 06:15:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:11, 05/07/2018 GMT+7

Những phát ngôn gây “sốc” dư luận

Thứ 5, 05/07/2018 | 06:11:00 1,592 lượt xem

BP - Theo Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9-2-2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, có 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập tới “những phát ngôn gây “sốc”” trên báo chí trong thời gian gần đây. Âu cũng là bài học kinh nghiệm cho những người có trách nhiệm hoặc được ủy quyền phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Bởi chỉ cần sơ suất, mất kiểm soát khi làm việc với các cơ quan báo chí thì có thể gây nên “thảm họa” không chỉ cho người phát ngôn.

Hẳn nhiều người chưa quên tại hội thảo góp ý Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông do Bộ Giao thông vận tải tổ chức tháng 3-2013, một cán bộ cấp cao của ngành công an đã khiến dư luận “lên cơn sốt” khi phát biểu: “Gần đây tôi lên mạng xem báo chí vẫn hướng dư luận vào cái khác, nêu lên thế nào là mũ giả, mũ dỏm. Có lẽ chúng ta nói luôn mấy phóng viên đó là thế nào đó, thiểu năng gì đó, kém gì đó không hiểu thế nào là mũ giả, mũ dỏm mà cứ phải đưa ra bằng lời lẽ, bằng giải thích từ ngữ”. Lập tức, cụm từ “nhà báo thiểu năng” đã được dùng làm tít cho nhiều tin, bài và gây phản ứng mạnh trong cộng đồng mạng và giới làm báo. Ngay sau đó, vị cán bộ này đã phải giải thích tới lui với báo chí và đích thân tới Hội Nhà báo Việt Nam để phân trần về phát ngôn của mình; đồng thời khẳng định bản thân ông không có ý miệt thị hay xúc phạm các phóng viên báo chí mà chỉ lỡ lời, mong được báo chí cả nước, dư luận xã hội cảm thông và sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc.

Minh họa: S.H

Một phát ngôn khác là tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 3-3-2015, vị đại diện ngành tuyên giáo thành phố Hà Nội đã khẳng định như đinh đóng cột, hiện tượng cướp giò hoa tre, cướp trầu cau trong lễ hội Đền Gióng mà báo chí phê phán, theo ông là “cướp có văn hóa”, cướp trong tục lệ! Ngay sau đó, cụm từ “cướp có văn hóa” cũng thành tít của nhiều bài viết, tiểu phẩm châm biếm trên mặt báo. Từ xưa đến nay, “cướp” được hiểu là hành động dùng vũ lực để chiếm đoạt cái không thuộc sở hữu của mình. Cho dù là trong tục lệ truyền thống vẫn có tục cướp hoa tre, cướp trầu cau, nhưng những hình ảnh mà các báo đưa tin về lễ hội Đền Gióng với gậy nhọn, các thế võ song phi, lao vào ẩu đả nhau để giành lộc thánh thì thật khó có thể gọi là “cướp có văn hóa” được!

Một phát ngôn khác tại cuộc họp báo của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 27-2-2013, khi trả lời báo chí về việc thu phí ATM nội mạng, ông vụ trưởng ngân hàng đã nói rằng, người dân được lợi là sẽ tỉnh ngộ ra rằng việc này phải mất phí. Ở nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí trời quen rồi, bây giờ mất phí phải hiểu quy trình thao tác cho tốt để đỡ trục trặc khi giao dịch trên máy ATM... Lập tức, ý kiến của ông vụ trưởng được xem như miệt thị người dân chỉ quen hưởng khí trời đã gây bức xúc dư luận, khiến Ngân hàng Nhà nước phải ra thông cáo báo chí về việc kiểm điểm vị cán bộ này vì những lời nói không phù hợp, thiếu văn hóa.

Nhưng “sốc” đến mức trở thành “thảm họa” vào loại nhất thì phải kể đến đoạn đối thoại giữa vị cán bộ nguyên là Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội với phóng viên Báo Tiền Phong khi hai bên trao đổi về hiệu quả dự án xe buýt nhanh tại Hà Nội. Ngày 29-6-2016, Báo Tiền Phong có bài: “Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận”: Sự thách thức của người có trách nhiệm”. Và toàn bộ đoạn ghi âm cuộc đối thoại được xả ra và đăng tải nguyên văn trên mặt báo. Xin được trích nguyên văn đoạn trao đổi: Hỏi: “Vấn đề dự án không hiệu quả, ông nghĩ thế nào? Trả lời: Không hiệu quả, không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định? Hỏi: Ít nhất chúng tôi thấy ngay khả năng ùn tắc, xe buýt nhanh có chạy được đâu? Trả lời: Ùn tắc không phải việc của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ có phải cơ quan thẩm định, không phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung. Hỏi: Dư luận xã hội quan tâm, các anh có trách nhiệm trả lời chứ? Trả lời: Dư luận nào. Ăn nói lung tung. Chúng mày mượn báo chí, hay lộng ngôn”.

Trước đây, ai cũng có thể phát ngôn báo chí. Từ khi có nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, phần lớn các cơ quan đã thực hiện tốt, giúp các nhà báo tiếp cận được nguồn thông tin chính thống, nhất là những vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan hoặc cá nhân được giao nhiệm vụ phát ngôn báo chí chưa kịp thời cung cấp thông tin hoặc né tránh báo chí. Bên cạnh đó lại có những tình huống phát ngôn “thảm họa” như đã nêu. Cách đây ít năm, một cuộc khảo sát ý kiến của 279 nhà báo, phóng viên tại 19 tỉnh, thành về mức độ phản hồi của cơ quan chức năng với báo chí cho kết quả: 75% không nhận được phản hồi hoặc phản hồi quá chậm theo luật định (30 ngày); trong số phản hồi đúng hạn (25%) thì có đến 78% chỉ chung chung, thiếu cụ thể. Một số tờ báo cho biết, hằng năm số đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân do báo chí chuyển đến cơ quan nhà nước để xử lý rất nhiều, nhưng tỷ lệ phản hồi chỉ chiếm khoảng 30%... Bởi thế, Nghị định số 09/2017/NĐ-CP được đánh giá là “mở đường”, tạo thuận lợi để các nhà báo khi tác nghiệp không còn phải chầu chực chờ thông tin từ cơ quan chức năng, bớt bị “làm khó” vì nhu cầu thông tin được đáp ứng theo luật định.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
21344

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu