Thứ 5, 28/03/2024 20:51:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:00, 02/10/2019 GMT+7

Phát triển chăn nuôi phải gắn với thị trường

Thứ 4, 02/10/2019 | 08:00:00 3,496 lượt xem
BP - “Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi heo của chúng tôi đã tìm được đơn vị thu mua heo thịt qua giết mổ với số lượng lớn. Sau khi tìm hiểu quy trình, đối tác rất hài lòng với kỹ thuật chăn nuôi và đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu lâu dài. Tuy nhiên, đối tác không chấp nhận điều kiện vệ sinh tại 2 lò mổ hiện có trên địa bàn thị xã và yêu cầu chúng tôi phải xây dựng lò mổ đạt chuẩn mới đồng ý hợp tác lâu dài. Khó khăn hiện nay của HTX là quy định không cho phép thành lập thêm lò mổ, vì vậy hợp đồng đành phải gác lại” - bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Bình Long kiêm Phó giám đốc HTX nông nghiệp - dịch vụ - thương mại An Phát (HTX An Phát) ở ấp Xa Cam II, phường Hưng Chiến chia sẻ.

Chủ động nuôi heo an toàn

Sau 2 giờ mở bán, 2 con heo với trọng lượng 200kg tại cửa hàng thịt heo sạch của HTX An Phát ở khu phố Phú Bình, phường An Lộc, thị xã Bình Long do anh Phùng Văn Bảo đứng ra kinh doanh, đã hết sạch. Mặc dù nhu cầu khách hàng lớn nhưng anh chỉ mổ 2 con/ngày để đảm bảo bán hết thịt trong ngày và số heo trong chuồng đủ cung cấp cho cửa hàng trong 1 năm.

Ông Phạm Văn Cư, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại An Phát (Bình Long) cho biết: Hợp tác xã chủ động liên kết với công ty cung ứng thức ăn để giảm chi phí cho người chăn nuôi

Trang trại của gia đình anh Bảo đang nuôi 50 heo nái, 500 heo thịt, hoàn toàn dùng men sinh học. Qua theo dõi, so sánh với phương thức nuôi truyền thống, anh Bảo nhận thấy: Ưu điểm nuôi chế phẩm sinh học là heo trắng hồng, bụng thon, vai, mông nở, ít bệnh, thịt chắc, khô và thơm, giảm mùi hôi, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nuôi theo cách này chi phí đội lên cao, bình quân một con heo từ nhỏ đến khi xuất chuồng tăng thêm 500 ngàn đồng, thời gian nuôi lâu hơn từ 1-2 tháng nên 1 năm anh chỉ nuôi được 2 lứa. Chấp nhận vốn đầu tư chăm sóc nhiều để có đàn heo khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon phục vụ người tiêu dùng nên suốt 18 năm gắn bó, nghề không phụ anh. Dù giá thị trường lên xuống thế nào, anh vẫn lãi bình quân khoảng 2 triệu đồng/con, trong khi nuôi theo cách truyền thống bán cho thương lái chỉ lãi từ 700 trăm ngàn đến 1 triệu đồng/con.

Hiện anh Bảo là một trong 11 hộ chăn nuôi heo giỏi của HTX An Phát. Điểm đặc biệt của HTX là xã viên chăn nuôi rải rác ở các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Đồng Phú, Lộc Ninh và thị xã Bình Long với tổng đàn 700 heo nái, 1.400 tấn heo thịt/năm. Trước tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp tại một số huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, tại thị xã Bình Long, 5/6 xã, phường đã phát hiện dịch, số heo bị tiêu hủy lên tới 27 tấn. Tuy nhiên, HTX vẫn duy trì ổn định tổng đàn nhờ ý thức chủ động phòng bệnh tốt của các hộ chăn nuôi.

Anh Bảo cho biết: “Ban giám đốc HTX thường xuyên nhắc nhở thành viên áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, định kỳ khử trùng chuồng trại, vệ sinh môi trường để hạn chế mầm bệnh xâm nhập, lắp đặt hầm biogas xử lý chất thải để bảo vệ môi trường. Chúng tôi còn thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo thị trường, tình hình dịch bệnh thông báo cho thành viên chủ động nuôi lứa mới hoặc áp dụng các biện pháp phòng dịch hiệu quả. Ban giám đốc HTX còn liên kết với công ty cung ứng thức ăn chăn nuôi với giá gốc, đảm bảo chất lượng theo đúng chủng loại để tiết kiệm chi phí, giúp người nuôi heo vững tâm với nghề”.

...Nhưng chưa được quan tâm đúng mức

“Dù đã được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng phần lớn số heo của HTX An Phát vẫn đang phải bán cho thương lái với giá như heo thường là thiệt thòi lớn với các xã viên. Tháng 3-2019, HTX có được tín hiệu vui về mặt thị trường, đó là Công ty cổ phần thực phẩm Niponham Việt Nam ở tỉnh Long An đồng ý tiêu thụ thịt heo đã qua giết mổ. Theo đó, mỗi ngày công ty thu mua bình quân 20 con heo đã qua giết mổ. Nếu như thỏa thuận này được thực hiện một cách nghiêm túc, HTX coi như cơ bản đảm bảo đầu ra cho các trang trại. Đáng tiếc là sự hợp tác này không thành công do hiện trạng 2 lò mổ trên địa bàn thị xã không đáp ứng đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm phía công ty đưa ra. Trong khi chờ xin chủ trương xây lò mổ mới thì người chăn nuôi vẫn phải tự tìm đầu ra” - ông Phạm Văn Cư, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX An Phát chia sẻ.

Dù được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng phần lớn số heo của HTX An Phát (Bình Long) vẫn đang bán cho thương lái với giá như heo thường

Người chăn nuôi trong tỉnh nói chung và HTX An Phát nói riêng đang gặp khó vì chưa được quan tâm đầu tư đúng mức từ địa phương. Hiện xã viên chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, cơ chế chính sách nên chưa thể đầu tư xây dựng chuồng trại đồng bộ nhằm chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, công nghiệp theo hướng chuyên nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ đang trở thành vấn đề cấp bách trong thực hiện đề án quy hoạch chăn nuôi giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 665 ngàn con (không bao gồm số heo con theo mẹ). Trong đó, chăn nuôi trang trại gần 542 ngàn con/251 trang trại, chiếm 81,3% tổng đàn, còn lại là chăn nuôi nông hộ. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi ở Bình Phước đạt trên 3.350 tỷ đồng. Tuy nhiên, chăn nuôi của tỉnh vẫn đang trong tình trạng nhỏ lẻ, chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh; hình thức tổ chức sản xuất manh mún và bị phân khúc... nên chưa kết nối được người sản xuất với đơn vị tiêu thụ và thị trường tạo ra chuỗi liên kết ổn định, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.

Ngân Hà

  • Từ khóa
94630

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu