Thứ 6, 29/03/2024 18:37:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:28, 05/11/2015 GMT+7

Phát triển giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới - Bài 1

Thứ 5, 05/11/2015 | 10:28:00 502 lượt xem

Tranh thủ nhiều nguồn vốn

BP - Việc tạo bước đột phá trong phát triển giao thông có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy địa phương nhanh chóng đạt được kết quả về các tiêu chí trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng đã gặp không ít khó khăn bởi kinh phí có hạn nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình.

GIAO THÔNG NGÀY CÀNG HOÀN THIỆN

Bằng nhiều nguồn vốn, những năm qua, mạng lưới đường bộ tỉnh Bình Phước được Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải cũng như UBND tỉnh tập trung đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 2 tuyến quốc lộ, 14 tuyến đường tỉnh và nhiều đường đô thị, huyện, xã, thôn và đường chuyên dùng với tổng chiều dài trên 8.104km. Trong đó, nhiều nhất là đường xã, thôn, ấp với trên 6.240km, chiếm gần 61% cùng 260 cây cầu lớn, nhỏ, trong đó có 117 cầu sắt, cầu dã chiến. Các tuyến đường chính chủ yếu chỉ đạt tiêu chuẩn cấp IV, V và VI.

Sử dụng vật liệu Carboncor Asphalt sửa chữa QL14, đoạn qua trung tâm thị xã Đồng XoàiSử dụng vật liệu Carboncor Asphalt sửa chữa QL14, đoạn qua trung tâm thị xã Đồng Xoài

5 năm trở lại đây, hàng loạt tuyến đường huyết mạch quan trọng đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo và làm mới, như quốc lộ 14, 13, đường Lộc Tấn - Bù Đốp, Minh Hưng - Đồng Nơ, Sao Bọng - Đăng Hà... Các tuyến đường tỉnh được nhựa hóa trên 98%, trong đó đường cấp II chiếm 18,7%, cấp IV chiếm 74,24%. Một số tuyến đường huyện, đường đô thị, các tuyến đường cơ bản nối từ trung tâm xã đến huyện, các công trình cầu cũng được đầu tư xây dựng.

Nhìn chung, hệ thống giao thông của tỉnh đã có bước phát triển căn bản, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở khu vực. Mục tiêu chiến lược phát triển giao thông nông thôn (GTNT) đến năm 2020 trên địa bàn là 100% tuyến đường tỉnh, huyện được trải nhựa; các tuyến đường xã được nhựa hoặc bê tông xi măng; hệ thống cầu cống trên các tuyến đường huyện, xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp được quy hoạch; tối thiểu 50% đường thôn, xóm được cứng hóa...

GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NTM

Qua kiểm tra cho thấy, chất lượng các công trình thực hiện theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm đạt yêu cầu và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Nhờ sự giám sát của chính quyền cơ sở  nên chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Chưa kể việc nhân dân trực tiếp thi công và cử đại diện giám sát quá trình xây dựng đã góp phần giảm giá thành và chống thất thoát trong đầu tư.

Ông Hồ Văn Hữu, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải 

Cùng với việc nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thì hệ thống GTNT cũng được quan tâm đầu tư. Hệ thống GTNT không chỉ là những tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện với xã hoặc nối các trung tâm xã với nhau mà còn là tuyến đường liên thôn, xóm, kể cả đường bờ mương... phục vụ đời sống dân sinh tại các vùng nông thôn. Năm 2014, UBND tỉnh thí điểm và bảo lãnh mua 4.450 tấn xi măng giao các xã tổ chức xây dựng, còn các huyện, thị xã hỗ trợ cát, đá. Qua đó thi công được 80 tuyến đường bê tông dài hơn 34km, trong đó người dân đóng góp 12.767 ngày công và 7,715 tỷ đồng. Năm 2015, UBND tỉnh tiếp tục mua bảo lãnh trả chậm 20 ngàn tấn xi măng để thi công 150km đường GTNT... Ông Nguyễn Công Quế, Chủ tịch UBND xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) nói: “Tiêu chí về hạ tầng GTNT khó thực hiện nhất. Tuy nhiên hiện nay, nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã thông suốt. Dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với cơ chế nhà nước hỗ trợ vật liệu (xi măng, cát, đá), người dân đóng góp tiền thuê nhà thầu thi công nên được người dân đồng tình hưởng ứng”.

Tuyến đường 322 từ Đồng Xoài đi ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) đã thảm nhựa, nối liền giữa tỉnh lỵ với nông thônTuyến đường 322 từ Đồng Xoài đi ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) đã thảm nhựa, nối liền giữa tỉnh lỵ với nông thôn

Hằng năm, với vai trò chủ công, Sở Giao thông - Vận tải tham mưu UBND tỉnh phát động phong trào toàn dân làm đường GTNT theo tiêu chí NTM, đồng thời xây dựng đề án cơ chế hỗ trợ xi măng. Sở còn cung cấp hồ sơ thiết kế mẫu cho các xã thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường GTNT theo tiêu chí NTM của Bộ Giao thông - Vận tải...

Cũng theo ông Hồ Văn Hữu, để đạt được mục tiêu về giao thông nông thôn khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế thì phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động tối đa mọi nguồn lực với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Quan trọng nhất là có cơ chế chính sách xây dựng GTNT, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhà thầu nhỏ, tư nhân tham gia dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

T.Mảng

 

  • Từ khóa
53871

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu