Thứ 4, 24/04/2024 07:58:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:24, 07/11/2015 GMT+7

Phát triển giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới - Bài cuối

Thứ 7, 07/11/2015 | 13:24:00 816 lượt xem

>> Bài 1: Tranh thủ nhiều nguồn vốn

Giải pháp cho hạ tầng giao thông nông thôn

Nhà nước hỗ trợ xi măng, cát, đá còn người dân đóng góp tiền thuê nhà thầu thi công đường GTNT (ảnh: Người dân tổ 2, ấp Đông Hồ, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản làm đường GTNT)Nhà nước hỗ trợ xi măng, cát, đá còn người dân đóng góp tiền thuê nhà thầu thi công đường GTNT (ảnh: Người dân tổ 2, ấp Đông Hồ, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản làm đường GTNT)

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT VÀO XÂY DỰNG GIAO THÔNG

BP - Đường giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh hiện nay chủ yếu là móng đường cấp phối, mặt đường bê tông xi măng, đá thải hoặc láng nhựa nóng, có giá thành cao. Hiện số đường GTNT chưa được nâng cấp còn rất lớn, trong khi kinh phí đầu tư hạn chế nên vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm chi phí đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cứng hóa mặt đường GTNT. Mục tiêu đến cuối năm 2015 có 60-80% tuyến đường huyện được nhựa hóa và 40% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông. Do vậy, ngoài việc tăng cường năng lực quản lý GTNT từ tỉnh đến cơ sở, huy động tối đa mọi nguồn lực cùng tham gia thì một giải pháp quan trọng đang được tỉnh thực hiện thí điểm. Đó là sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, chú trọng sử dụng vật liệu mới, ứng dụng công nghệ mới trong thi công, phù hợp với điều kiện từng vùng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã thí điểm thi công mặt đường bằng vật liệu Carboncor Asphalt và áp dụng trong vá ổ gà. Ông Hoàng Mạnh, Phó giám đốc Ban quản lý Bảo trì đường bộ tỉnh cho biết: “Đây là sản phẩm công nghệ mới, thân thiện với môi trường, thi công đơn giản, ít phụ thuộc vào máy móc thiết bị thi công, có thể sử dụng nhân công tại địa phương. So với làm đường nông thôn bằng bê tông thảm nhựa thì làm đường bằng vật liệu mới này có giá thành chỉ bằng một nửa”. Vật liệu Carboncor Asphalt với 3 thành phần chính là đá, sít than sau sàng (rác than), nhũ tương đặc biệt liên kết làm cho vật liệu trở thành một khối bền vững nền và mặt đường. Đặc biệt, cùng một khối lượng như bê tông nhựa thông thường nhưng vật liệu mới này tăng được 25% diện tích phủ mặt đường. Xây dựng đường GTNT bằng vật liệu mới này sẽ mang lại hiệu quả cả về kinh tế, thời gian, chất lượng cũng như mỹ quan. “Với việc áp dụng vật liệu mới vào sửa chữa, dặm vá đường Phú Riềng Đỏ, ĐT741, ĐT757, quốc lộ 14... cho thấy Carboncor Asphalt không bị chảy mềm dưới thời tiết nắng nóng và cường độ ngày càng ổn định” - ông Hoàng Mạnh nhận định.

CẦN TĂNG CƯỜNG VỐN BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ

Theo quy định về phân công, phân cấp quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh thì các tuyến đường huyện giao cho UBND cấp huyện quản lý, đối với đường xã giao cho UBND xã quản lý. Tuy nhiên, thực tế nguồn kinh phí dành cho bảo trì đường GTNT chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu. Theo một cán bộ ngành giao thông - vận tải (GT-VT), công tác duy tu, bảo dưỡng đường GTNT hiện còn nhiều khó khăn. Huyện, xã vẫn dành sự ưu tiên kinh phí cho việc mở đường mới hoặc nâng cấp đường cũ đã xuống cấp nên kinh phí dành cho bảo trì đường đang khai thác càng trở nên khó khăn, dẫn đến mạng lưới đường GTNT nói chung ngày càng xuống cấp nhanh chóng.

Theo ông Hồ Văn Hữu, Giám đốc Sở GT-VT, để thực hiện tốt công tác bảo trì, các huyện, thị xã cần lập quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới đường giao thông trên địa bàn, từ đó có chính sách và cân đối các nguồn vốn dành cho công trình xây dựng phát triển và bảo trì. Công tác quản lý hành lang đường bộ trên các tuyến đường GTNT được giao quản lý cần phải được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, tổ chức quản lý bảo dưỡng đường theo quy định.

TẠO ĐỘNG LỰC GIẢM CHÊNH LỆCH GIỮA VÙNG, MIỀN

Hiện toàn tỉnh có 3 xã hoàn thành tiêu chí giao thông, đạt gần 3%. Mặc dù xây dựng GTNT luôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng theo nhận định chung của tỉnh, do nguồn kinh phí còn hạn chế và nguồn lực huy động trong nhân dân cũng rất khó khăn. Đa số dân còn nghèo không có khả năng đóng góp nên đến nay tỷ lệ đường xã, thôn được nhựa hóa và cứng hóa thấp.

Từ năm 2013 đến nay, trong công tác duy tu, bảo dưỡng đường GTNT đã có thêm nguồn vốn từ thu phí đường bộ phân bổ cho địa phương. Theo đó, với nguồn kinh phí khoảng 83,6 tỷ đồng (trong đó vốn trung ương khoảng 62,5 tỷ đồng, vốn địa phương cùng các nguồn khác gần 21,1 tỷ đồng) và huy động nhân dân đóng góp ngày công lao động, góp phần làm tăng chất lượng đường GTNT. 

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đưa ra kế hoạch xây dựng và phát triển GTNT với các mục tiêu cụ thể, như tiếp tục đầu tư, phát triển đường huyện đến năm 2020 đạt quy mô tối thiểu cấp V. Đối với các tuyến đường đô thị, sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đã có, phấn đấu tăng tỷ lệ đường trải thảm bê tông nhựa, tối thiểu các tuyến đạt tiêu chuẩn tương đương đường cấp III. Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông đô thị với mục tiêu đến năm 2020, hệ thống đường giao thông đô thị của thị xã Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long và một số huyện đạt tiêu chuẩn đường đô thị hiện đại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính sách ưu tiên phát triển GTNT ở vùng sâu, xa, biên giới có vị trí quan trọng nhằm đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo động lực phát triển, giảm chênh lệch giữa các vùng, miền.

“Nhằm đẩy mạnh phát triển mạng lưới giao thông địa phương, UBND tỉnh đã kiến nghị với Trung ương một số vấn đề, như hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài như vốn ODA, vốn vay của các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế, khu vực và vốn vay tín dụng ưu đãi của nước ngoài” - ông Hồ Văn Hữu cho biết.

T.Mảng

  • Từ khóa
53875

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu