Thứ 6, 26/04/2024 12:35:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:27, 31/05/2015 GMT+7

Phát triển kinh tế hội viên làm trọng tâm

Chủ nhật, 31/05/2015 | 06:27:00 72 lượt xem
BP - Điểm nổi bật trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước ở Hội Nông dân huyện Bù Đăng chính là tập trung vào chất lượng, không chạy theo thành tích.

Cán bộ hội nông dân huyện và xã thường xuyên thăm vườn và trao đổi kỹ thuật với hội viên. Trong ảnh: Vườn cà phê trồng xen điều của hộ anh Thanh (thứ 2 từ trái qua)

Từ hộ nghèo đến thu nhập 400 triệu đồng/năm

Quê ở Thái Nguyên, gia đình anh Trần Văn Thanh vào xã Bom Bo (Bù Đăng) lập nghiệp từ năm 1998. Gia đình anh gặp không ít khó khăn, trong khi vợ bị bệnh, hai con còn nhỏ. Cuối năm 1999, anh được Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn vay 15 triệu đồng để mua một con bò. Anh làm chuồng trại, trồng cỏ, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi để nhân rộng đàn bò. Anh Thanh còn tranh thủ đi làm công cho các chủ vườn trên địa bàn, như xạc cỏ, cưa cây, đào hố, bón phân...

Chăm sóc đúng kỹ thuật nên bò mẹ đã lần lượt sinh được 5 con bê. Để tiện thể công chăm sóc, anh mua thêm bò sinh sản. Đến năm 2006, đàn bò của gia đình có 20 con, trị giá 12 triệu đồng/con, như vậy anh đã có số vốn 240 triệu đồng. Cùng với số tiền tiết kiệm, anh Thanh mua 6 ha đất trống để trồng điều xen ca cao, tiêu và nuôi heo rừng. Tuy nhiên, do dịch bệnh nguồn tiêu thụ ca cao khó, chăn nuôi không hiệu quả nên anh Thanh chuyển sang trồng xen cà phê trong vườn điều và duy trì cho đến nay.

Anh Thanh tích cực tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của hội nông dân, khuyến nông để áp dụng vào thực tế vườn nhà. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên vườn trồng xen cho hiệu quả kinh tế cao, thời điểm cao nhất anh Thanh thu 400 triệu đồng/năm. Không chỉ chịu khó lao động, vợ chồng anh Thanh còn chăm lo cho các con học tập. Hiện con út Trần Văn Tú đang học tại Học viện Bưu chính viễn thông thành phố Hồ Chí Minh. Con trai lớn Trần Minh Tuấn đã lập gia đình và được vợ chồng anh Thanh cho 3 ha đất làm vốn lập nghiệp.

“Nhờ chịu khó lao động nên đến năm 2005, gia đình tôi đã thoát nghèo. Hiện với 2 ha cà phê xen điều và 1 ha điều, mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 250 triệu đồng” - anh Thanh cho biết.

Nâng cao chất lượng thi đua

Xác định rõ mục đích, tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh nên huyện hội luôn đảm bảo khen thưởng kịp thời, đúng người đúng việc, công khai, dân chủ. Nhờ vậy, chất lượng phong trào của Huyện hội luôn đứng top đầu.

Năm 2014, huyện có 7.315 hội viên đăng ký tham gia, kết quả có 55,07% số hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi. Có những hộ sau khi trừ chi phí thu từ 500-700 triệu đồng, như: Đào Ngọc Chuẩn ở xã Minh Hưng, Lữ Anh Kiệt ở xã Nghĩa Bình, Chu Văn Dũng ở xã Bom Bo... 5 năm qua, huyện hội tổ chức 87 lớp dạy nghề tin học, kỹ thuật chăm sóc cây trồng; 426 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; cùng với các hình thức giúp nhau xóa đói giảm nghèo như: vay vốn, hỗ trợ cây - con giống, ngày công lao động... đã góp phần giảm được 543 hộ hội viên nghèo.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, hội đã phối hợp vận động nông dân đóng góp 2 tỷ 235,6 triệu đồng và 9.428 ngày công lao động, tu sửa 252km đường giao thông nông thôn; nạo vét 42,7km kênh mương nội đồng; 16 cầu, cống; 34 nhà văn hóa thôn; xây 29 căn nhà tình thương cho hội viên nghèo với tổng 406 triệu đồng. Quỹ hỗ trợ nông dân hiện có 2 tỷ 51,897 triệu đồng cho 484 hộ hội viên vay phát triển kinh tế.            

 H.C

 

  • Từ khóa
38718

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu