Thứ 7, 20/04/2024 20:31:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:43, 19/04/2018 GMT+7

Phát triển kinh tế từ liên kết trong chăn nuôi

Thứ 5, 19/04/2018 | 15:43:00 225 lượt xem
BP - Nhận thấy liên kết trong chăn nuôi rất có lợi, một số hộ đồng bào Tày, Nùng ở ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi (Đồng Phú) đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Sau gần 3 năm thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, nhiều hộ đồng bào đã thoát nghèo bền vững.

Con trâu là đầu cơ nghiệp

Gần 20 năm trước, vợ chồng chị Đinh Thị Định rời Cao Bằng vào Bình Phước và chọn ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi làm nơi an cư lập nghiệp. “Ban đầu ai cũng khó khăn, nhà tôi cũng vậy. Nhưng đa số người dân đều cần cù, thấy đất đai màu mỡ nên càng cố gắng làm lụng. Năm 2006, gia đình tôi thoát nghèo, nhưng đến năm 2009 thì tái nghèo vì chồng mắc bệnh hiểm nghèo. Chồng chết cũng là lúc kinh tế suy sụp vì đất đai đã bán. Vài năm sau, tôi vay vốn mua con trâu đang có bầu về nuôi. Sau 2 năm trâu đẻ được 2 con nghé. Trong ấp cũng có hộ nuôi trâu, tôi rủ họ liên kết cùng chăn nuôi” - Chị Định cho biết.

Chị Đinh Thị Định, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò sinh sản thăm vườn cỏ voi của gia đình bà Đặng Thị Liền, ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi (Đồng Phú)

Vào tổ hợp tác, các hộ chăn nuôi trâu, bò được nhiều thứ. Thứ nhất là đỡ người chăn dắt trâu, bò. Thay vì mỗi nhà phải có một người đi chăn thì 3-5 nhà cũng chỉ cần một người. Thêm đó là rủ nhau trồng, chăm sóc cỏ, rồi mua rơm chung để giảm giá thành, chưa kể việc chủ động chọn con giống tốt để luân phiên nuôi. Vì thấy được lợi ích, ban đầu chỉ 3-5 nhà, nay tổ hợp tác đã có 19 thành viên. Hoạt động ổn định, tổ vận động các hộ thành lập quỹ mỗi nhà đóng góp 1 triệu đồng để xoay vòng vốn phát triển kinh tế. Nhờ nuôi trâu, bò có lãi, cùng nguồn vốn xoay vòng, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững. Chị Phùng Thị Mai, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Trảng Tranh nói: “Tôi thấy phát triển rõ nhất là hộ chị Đinh Thị Định, anh Hoàng Văn Tàu. Từ nuôi trâu, bò các hộ đã vươn lên thay đổi cuộc sống tích cực. Nhờ nhân đàn ngày càng nhiều, có thu nhập ổn định mà chị Định đã xin thoát nghèo sau một năm, còn hộ anh Tàu mua được rẫy, kinh tế ổn định. Cách làm này phù hợp với đa số bà con nơi đây”.

Dẫn tôi đi thăm đàn bò 6 con, trong đó 4 con đang có bầu, bà Đặng Thị Liền, mẹ anh Hoàng Văn Tàu cho biết: “Nhà tôi từ nuôi bò mà có cuộc sống tốt dần lên. Giờ tôi tuổi cao nên ở nhà trông coi đàn bò, trồng cỏ, trồng rau, nuôi gà, còn các con làm rẫy ở ấp Thạch Màng. Kinh tế gia đình đã ổn định hơn nhiều so với trước đây”.

Ước mơ THÀNH LẬP hợp tác xã

Ấp Trảng Tranh có 180 hộ dân thì hiện 19 hộ tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Đến cuối năm 2017, tổ có 86 con bò, 39 con trâu. Quỹ xoay vòng có 37 thành viên với số tiền 50 triệu đồng, mỗi hộ được vay 5 triệu đồng/lần. Từ cuối năm 2015-2016, người dân trong ấp ai cũng công nhận hiệu quả của tổ, song từ năm 2017 khi số lượng trâu, bò tăng lên thì họ lại bị thương lái ép giá. Bà Đặng Thị Liền cho biết: “Lúc mới nuôi, có hộ mua 1 con trâu giống với giá 25 triệu đồng, bò giống 15 triệu đồng. Nhưng sau này, khi nguồn cung dồi dào thương lái mua lại với giá chỉ bằng một nửa. 2 con bò bầu của gia đình hiện được trả với giá 7-8 triệu đồng/con. Vì tiếc công nuôi nên tôi chưa bán”. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lợi Lương Thị Lan nói: Mong muốn của tổ hợp tác là được hỗ trợ để ổn định đầu ra với giá đảm bảo. Nhưng đến nay hội vẫn chưa tìm được cách để giúp đỡ hội viên. Bởi để thành lập hợp tác xã thì cần nhiều yếu tố, nhất là phải tăng số lượng thành viên nhưng hiện giá trâu, bò thịt thấp quá nên rất khó vận động người dân tham gia. Hội cũng rất muốn phát triển các tổ hợp tác khác để giúp nhân dân trong xã phát triển kinh tế nên bước đầu đã đề xuất với cấp trên.

Xã Tân Lợi có đến hơn 70% số dân là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Đa số người dân nơi đây phát triển kinh tế nhờ vườn rẫy nên rất thuận tiện chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cách làm phù hợp này nhiều năm gần đây đã thể hiện hiệu quả rõ nét, bền vững, tuy nhiên do đầu ra bấp bênh nên nhiều hộ chưa mạnh dạn đầu tư. Thực tế hiện nay nhiều người dân trong xã vẫn loay hoay nuôi, trồng theo nhu cầu thị trường, “hiệu ứng đám đông” với tâm trạng lo âu được mùa - mất giá và trồng - chặt. Vì vậy nhân dân rất mong chờ có sự định hướng của chính quyền để yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ông Vi Văn Dũng, Bí thư Chi bộ ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi chia sẻ: Một số hộ khá, giàu ở đây rất muốn thay đổi phương thức sản xuất nhưng vẫn còn dè dặt. Người dân có tiềm lực nhưng cần thông tin, định hướng, hướng dẫn cụ thể để làm bàn đạp bứt phá phát triển kinh tế. Vì vậy họ luôn mong được Nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ, làm điểm tựa vững chắc để mạnh dạn thay đổi, tự tin vươn lên phát triển góp phần xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng giàu, đẹp.

Phương Dung

  • Từ khóa
42653

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu