Thứ 5, 25/04/2024 11:59:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 09:41, 10/07/2018 GMT+7

Phát triển ngành hải sản biển Tây Nam

Thứ 3, 10/07/2018 | 09:41:00 194 lượt xem

BP - Biển đảo Tây Nam của đất nước ta có nguồn hải sản dồi dào, phong phú, đa dạng về giống và loài, giàu có về trữ lượng. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, vùng biển Tây Nam có địa hình khá bằng phẳng và nông, nơi sâu nhất khoảng 86m. Hải sản nơi đây có 2.000 loài, trong đó hơn 80 loài có giá trị kinh tế cao; riêng tôm biển có 50 loài... Kết quả điều tra của ngành chức năng giai đoạn 2011-2013 cho biết, trữ lượng hải sản vùng biển này là 577.576 tấn, trong đó 88,4% cá nổi nhỏ và 11,6% hải sản tầng đáy.

TÀU CÁ CỦA CÁC TỈNH

Hiện nay, trong các tỉnh quản lý biển Tây Nam thì Kiên Giang có đội tàu đánh cá lớn nhất vùng, với hơn 10.800 chiếc, trong đó tàu trọng tải trên 90CV, chiếm hơn 42%. Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, chiều dài bờ biển 254km, với 87 cửa sông lớn nhỏ, có ngư trường và trữ lượng hải sản lớn nhất nước. Đặc biệt, Cà Mau có vùng bãi bồi rộng lớn rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản ven biển, riêng diện tích tôm nước lợ có gần 300.000 ha. Tỉnh Bến Tre trong những năm gần đây, hoạt động đánh bắt thủy sản phát triển mạnh, với đội tàu khai thác xa bờ tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 2.096 tàu cá đánh bắt xa bờ, chiếm 52% số tàu đăng ký của tỉnh. Tàu cá Bến Tre hoạt động khắp các ngư trường Đông và Tây Nam bộ. Tỉnh Tiền Giang hiện có 1.355 chiếc tàu đang hoạt động đánh bắt cá trên biển. Với lợi thế của một tỉnh nằm trải dài trên bờ bắc sông Tiền và có 32km bờ biển, Tiền Giang là một trong những địa phương đi đầu trong khu vực thực hiện cho bà con ngư dân vay đóng tàu theo Nghị định số 67 của Chính phủ. Với tỉnh Trà Vinh, ngư dân đã đầu tư đóng mới, cải hoán hàng chục tàu cá, nâng tổng số tàu cá toàn tỉnh lên 1.194 chiếc, với tổng công suất trên 135.000 mã lực, trong số này có 200 tàu đánh bắt xa bờ. Tỉnh Sóc Trăng nghề biển cũng đang có chiều hướng phát triển mạnh, sản lượng khai thác hải sản năm 2017 đạt 63.160 tấn, tăng 11% so với năm 2016. Toàn tỉnh hiện có 1.196 tàu, tổng công suất trên 172.000CV, trong đó có 350 tàu đánh bắt xa bờ...

Tàu cá trên biển Hòn Nghệ (Kiên Giang) - ảnh internet

Những con số đã nêu cho thấy nghề cá đang phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Biển Tây Nam với nguồn hải sản dồi dào là ngư trường thuận lợi cho bà con ngư dân. Ra khơi đánh bắt hải sản, phát triển nghề cá truyền thống, ngư dân còn là những “cột mốc sống” trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

NHỮNG KHÓ KHĂN

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế thủy, hải sản các tỉnh vùng biển Tây Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, tính bền vững chưa cao, nguồn lợi tự nhiên có dấu hiệu cạn kiệt, sản lượng khai thác hải sản có xu hướng giảm. Có 2 điểm yếu cơ bản của ngành thủy sản vùng Tây Nam bộ cần sớm khắc phục. Thứ nhất, công nghệ và cơ sở vật chất, kỹ thuật nghề cá lạc hậu. Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của ngư dân. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong khai thác hải sản còn cao. Thứ hai, công tác quản lý ngành kinh tế thủy sản của vùng còn nhiều bất cập. Từ những yếu kém đó dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững; khai thác tiềm năng mặt nước ven biển chưa hiệu quả; môi trường biển và ven biển một số nơi đã bị ô nhiễm, nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, khả năng tái tạo thấp. Thời gian qua, tình trạng khai thác sai vùng, sai tuyến, vi phạm pháp luật trong và ngoài nước khá phổ biến, chưa được ngăn chặn hiệu quả. Gần đây lại xuất hiện tình trạng tranh chấp ngư trường trong ngư dân tại vùng biển Tây Nam. Các vụ việc diễn ra phức tạp và chiều hướng gia tăng, vừa ảnh hưởng bất lợi đến nghề khai thác đánh bắt thủy sản, vừa gây mất an ninh trật tự trên biển.

Biển là ngư trường khai thác chung của tất cả ngư dân, không của riêng ai. Biển, đảo là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bất khả xâm phạm. Vì vậy, mọi người dân phải có nghĩa vụ bảo vệ, khai thác đi đôi với tái tạo, khôi phục nguồn tài nguyên biển. Để vùng biển Tây Nam trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế trong vùng cần khơi gợi trong cộng đồng ngư dân tình đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ và cùng chia sẻ khó khăn khi gặp hoạn nạn, thiên tai; chấm dứt tình trạng tranh chấp khi hành nghề trên biển.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111339

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu