Thứ 6, 26/04/2024 06:53:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:36, 23/01/2019 GMT+7

Phát triển thương mại điện tử - hướng đi mới trong tiếp cận thị trường

Thứ 4, 23/01/2019 | 06:36:00 205 lượt xem
BP - Trong xu thế hội nhập, thương mại điện tử (TMĐT) đang là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt với những DN bán lẻ, DN liên quan nhiều đến hoạt động xuất, nhập khẩu, DN có vốn đầu tư nước ngoài bởi những ưu thế đơn giản, có quy mô toàn cầu, giúp DN dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng ở nhiều thị trường khác nhau.

NHIỀU TIỆN ÍCH

Nhiều DN lớn ở nước ta trong thời gian qua đã sử dụng thành công TMĐT như hệ thống Winut Mart, Co.opmart, Nguyễn Kim, Thế giới di động, Viễn thông A... Tại Bình Phước, Công ty TNHH MTV sản xuất - thương mại Phúc Thịnh (Phước Long) là một điển hình trong ứng dụng TMĐT. Công ty Phúc Thịnh chuyên sản xuất, chế biến, xuất khẩu hạt điều nhân. Thành lập gần 8 năm, công ty đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông và một số nước châu Âu qua internet. Trong nước, sản phẩm của công ty đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố và được người tiêu dùng đón nhận.

Sẽ có sàn giao dịch nông sản giúp điều Bình Phước khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Hà Mỵ (Đồng Phú) phân loại hạt điều

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Phúc Thịnh cho biết, trước đây công ty chủ yếu làm hạt điều nhân trắng. Từ khi chuyển sang chế biến sâu, công ty buộc phải phát triển online. Hiện công ty bố trí 3 nhân viên trực cổng thông tin, chuyên phụ trách bán và giới thiệu sản phẩm qua internet. Chi phí cho hoạt động kinh doanh online mỗi năm chỉ khoảng vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập hiện nay, bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, DN buộc phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nắm bắt giá, nhu cầu thị trường, xúc tiến quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng... Theo đánh giá của nhiều DN, kinh doanh online là một trong những kênh giao thương ít tốn kém nhất. Giao dịch truyền thống phải gặp trực tiếp hoặc qua bưu điện thì TMĐT chỉ cần gửi fax hoặc vài click chuột. Chi phí cũng rẻ hơn và qua internet có thể gửi thư tiếp thị, chào hàng đến hàng loạt khách hàng ở xa mà không mất cước phí.

Đặc biệt, kinh doanh online giúp DN tiết kiệm chi phí đi lại, thuê nhân công, mặt bằng, kho bãi. Với người tiêu dùng, có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm nhanh chóng và có nhiều sự lựa chọn về giá hay các mặt hàng cùng chủng loại. Bởi vậy, khai thác hiệu quả kênh bán hàng này sẽ giúp DN mở rộng thị phần, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Bà Lê Thị Thanh Thảo cho biết thêm: “Website TMĐT của công ty thành lập năm 2014, nhờ đó chúng tôi đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm dễ dàng hơn. Để phát huy hiệu quả, website của công ty liên tục được cập nhật thông tin, thay đổi giao diện sao cho bắt mắt và tiện dụng đối với người mua”.

MỨC ĐỘ ỨNG DỤNG TMĐT CÒN THẤP

Để phát triển TMĐT, thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 26-5-2016 về ban hành Chương trình phát triển TMĐT tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch phát triển TMĐT hằng năm. Sở đã phối hợp làm tốt tuyên truyền, phổ biến giáo dục, pháp luật về TMĐT; hỗ trợ 16 DN xây dựng website TMĐT và giúp 17 DN tham gia cổng TMĐT quốc gia nhằm hỗ trợ các DN sớm làm quen và tham gia vào phương thức kinh doanh TMĐT DN với DN (B2B) đầy tiềm năng, qua đó nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhân viên Công ty TNHH MTV sản xuất - thương mại Phúc Thịnh (Phước Long) trực website để mua bán sản phẩm qua internet

Tuy nhiên, nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích của TMĐT ở một số DN chưa đầy đủ. Nhiều DN chưa thấy được vai trò, hiệu quả của TMĐT đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Đa số các DN vừa và lớn thành lập được website, tuy nhiên, website cũng chỉ dừng ở việc giới thiệu tổng quan về công ty, sản phẩm; nội dung, hình ảnh trên website chưa phong phú, đa dạng. DN nhỏ ứng dụng TMĐT còn yếu. Nguyên nhân được xác định là do nguồn nhân lực dành cho TMĐT tại các DN chưa đồng đều. Hầu hết các DN chưa có nhân viên chuyên trách về công nghệ thông tin và TMĐT, chủ yếu là kiêm nhiệm. Hành lang pháp lý về TMĐT chưa hoàn thiện nên người dân và DN còn e ngại trong tham gia ứng dụng TMĐT. Nhiều DN không có điều kiện trang bị máy tính, phần cứng, phần mềm và nguồn nhân lực đủ mạnh để vừa có thể quản trị vừa đẩy mạnh ứng dụng TMĐT...

Ngành công thương xác định, thời gian tới sẽ tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng TMĐT cho DN; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; quản lý tốt thông tin DN; tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT; xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm, dịch vụ của DN. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ hỗ trợ DN tự triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, kinh doanh theo mô hình B2C (đưa sản phẩm của DN đến người tiêu dùng cuối cùng); hỗ trợ DN tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, quảng bá, marketing trên website hoặc tạo điều kiện cho DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT nhằm trao đổi, quảng bá thương hiệu và sản phẩm...

Là tỉnh có lợi thế phát triển nông nghiệp, đa số DN ở Bình Phước sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản. Để tạo cơ sở, nền tảng cho phát triển TMĐT, kết nối DN với DN, DN với người tiêu dùng thông qua internet, Sở Công Thương đã trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng sàn giao dịch nông sản. Tại đây, người mua, người bán có thể giao dịch bất cứ lúc nào, ở đâu, kể cả với DN, người dân trong và ngoài nước. Sàn giao dịch hoạt động theo cơ chế tự vận hành có sự kiểm soát của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch hoặc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, phát triển TMĐT là nhu cầu cần thiết và cấp bách để kinh tế Bình Phước rút ngắn khoảng cách với các nền kinh tế phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của DN; giúp DN tiết kiệm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Tuy nhiên, để phát triển TMĐT đòi hỏi không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng và môi trường pháp lý cho TMĐT, có những biện pháp bảo đảm an toàn cho các giao dịch TMĐT và tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực, quốc tế trong lĩnh vực này.

Minh Luận

  • Từ khóa
43862

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu