Thứ 6, 29/03/2024 01:43:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:35, 02/12/2018 GMT+7

Phép nước thời Lê

Chủ nhật, 02/12/2018 | 14:35:00 224 lượt xem
BP - Lê Thái Tổ - Lê Lợi, sinh ngày 10-9-1385, là con trai thứ 3 của ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Thương, người ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hóa. Ngay từ khi còn trẻ, Lê Lợi đã tỏ ra thông minh, dũng lược, đức độ hơn người, dáng người hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai phải có nốt ruồi đỏ lớn, tiếng nói như chuông, bậc thức giả biết ngay là người phi thường.

Lớn lên, ông làm chức Phụ đạo ở Khả Lam, ông chăm chỉ dùi mài đọc sách và binh pháp, nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân lưu tán, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn. Mùa xuân năm Mậu Tuất - 1418, Lê Lợi cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú... phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, kêu gọi nhân dân đồng lòng đánh giặc cứu nước. Suốt 10 năm nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, lập ra nhà hậu Lê.

Minh họa: S.H

Sử cũ gọi là nhà hậu Lê để phân biệt với nhà tiền Lê do Lê Đại Hành lập ra cuối thế kỷ X. Nhà hậu Lê gồm 2 giai đoạn: Nhà Lê sơ (1428-1527) kéo dài 100 năm, bắt đầu từ khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi gạt bỏ vua bù nhìn Trần Cảo, tự làm vua, lập ra triều đại mới và kết thúc khi quyền thần Mạc Đăng Dung phế bỏ vua Lê Cung Hoàng lập ra nhà Mạc. Nhà Lê Trung hưng (1533-1789) kéo dài 256 năm, bắt đầu từ khi Thượng tướng quân Nguyễn Kim lập tông thất Lê Duy Ninh lên ngôi, tức Lê Trang Tông tại Ai Lao để khôi phục nhà hậu Lê; kết thúc khi Lê Chiêu Thống chạy sang lưu vong tại Trung Quốc dưới thời Thanh Cao Tông.

Vào thời Lê Trung hưng, theo thông lệ, hằng năm hoặc giả là vài ba năm, triều đình vua Lê - chúa Trịnh lại tổ chức khảo quan. Đại để, đây là một hình thức khảo xét quan lại các cấp để quyết định việc thăng hoặc giáng cấp của họ. Cũng có năm, việc khảo quan được tiến hành chẳng khác gì một kỳ thi, nghĩa là cũng có bài thi viết, có người được triều đình cử làm giám khảo để chấm hẳn hoi. Cuộc khảo quan năm Bính Tý (1696), dưới thời vua Lê Hy Tông (1675-1705) và chúa Trịnh Căn (1682-1709) cũng có thể coi là một ví dụ tiêu biểu.

Tiếc thay, cuộc khảo quan ngỡ như chặt chẽ này lại tỏ rõ phép nước lúc ấy bị khinh nhờn quá mức. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” khi chép việc của tháng 8 năm Bính Tý (1696) đã cho biết như sau: Giáng chức của Nguyễn Quan Nho từ Tham tụng xuống hàng Tả thị lang bộ Binh, liền đó lại cho làm chức Đô ngự sử. Theo sử cũ, Nguyễn Quan Nho là người giản dị. Bấy giờ, sắp có cuộc khảo quan ở kinh thành và các trấn, chúa Trịnh Căn triệu Nguyễn Quan Nho và Lê Hy vào phủ để nghĩ sẵn đề thi, đồng thời căn dặn rằng: Không được tiết lộ cho ai biết.

Thế nhưng trong lúc Nguyễn Quan Nho ngồi nói chuyện chơi với Đặng Đình Tướng đã vô ý làm lộ một phần đề thi. Quan Thái giám là Ngô Phan Lân, vốn từ lâu đã không bằng lòng với Nguyễn Quan Nho nên liền đem việc này tố cáo. Trịnh Căn hay tin này thì giận lắm, bèn biếm chức của Nguyễn Quan Nho, nhưng rồi ngay hôm sau, vì có quan Đô ngự sử là Nguyễn Quý Đức bị giáng chức, Trịnh Căn lại cho Nguyễn Quan Nho làm quan Đô ngự sử.

Về chuyện Nguyễn Quý Đức bị giáng chức, cũng sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cho biết như sau: Con em của Đô ngự sử Nguyễn Quý Đức có người nhận của đút lót từ người bị kiện. Nguyễn Quý Đức biết chuyện và đã đem tang vật trình nạp rồi tâu bày mọi lẽ, nhưng triều đình xét thấy Nguyễn Quý Đức xử kiện không đúng lẽ, số tang vật đem trình nạp cũng không đầy đủ nên giáng Nguyễn Quý Đức làm Tả thị lang bộ Binh. Chép đến đoạn sử này, các tác giả sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” đã hạ bút viết một lời phê rất nghiêm khắc như sau: Việc làm trên đây của họ Trịnh đều không đáng bàn luận làm gì thêm.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại này thì các sử gia thời Nguyễn nói rằng không bàn luận gì thêm, nhưng thực ra với dòng chữ viết như nêu trong bài đã không chỉ là bàn mà còn bàn một cách sâu sắc. Và chỉ với việc chép lại chuyện khảo quan không thôi cũng đủ thấy phép nước thời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn đã bị coi thường đến cỡ nào rồi. Từ mức độ vi phạm đến việc xử lý nặng hay nhẹ tuy có khác nhau nhưng lỗi của người vi phạm đều không thể chối cãi và họ bị hặc tội rồi bị giáng chức là lẽ tất nhiên. Nhưng, từ xưa tới nay, với những người mà lỗi của mình bản thân chẳng thấy, lỗi do mình gây ra mà mình chẳng nghiêm với chính bản thân thì làm sao có thể xét xử người khác?

Song, suy cho cùng thì trong vụ việc nêu trên, chính chúa Trịnh Căn mới là người “bẻ cong” phép nước, vì vượt mặt vua trong việc tự mình thăng chức cho kẻ phạm tội. Các sử gia thời xưa chê tất thảy những đời chúa Trịnh đều lộng quyền, nhưng quả có thế thật, song nếu không như vậy thì chưa chắc đã có vua Lê, cho dẫu là ngôi suông. Vì các vua Lê lúc bấy giờ đều trẻ người non dạ, lo cho riêng bản thân còn chưa được, huống chi chuyện lo cho giang sơn xã tắc? Thế cho nên, các vua Lê thời này dẫu có muốn thực sự làm vua cũng chẳng được. Bởi trông cậy vào các quan ư? Không, vì trên đời này chẳng có gì nhục nhã bằng việc phải quỳ lạy những kẻ kém cỏi hơn mình. Thế mới hay rằng, trong thời loạn, mọi sự không thường đều là sự thường!

ND

  • Từ khóa
110122

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu