Thứ 6, 19/04/2024 17:01:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 08:26, 27/11/2014 GMT+7

Không phải cứ về hưu là “an toàn”

Thứ 5, 27/11/2014 | 08:26:00 1,941 lượt xem
BP - Ngày 21-11-2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận kiểm tra dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ.

Theo Ủy ban Kiểm  tra Trung ương, ông Trần Văn Truyền có quá trình cống hiến lâu dài, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và cơ quan trung ương, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng đảng và chính quyền trên các cương vị và chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, ông Truyền đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất, như sau:

Ông Trần Văn Truyền đã thiếu tự giác, thiếu gương mẫu khi đồng thời trong 2 năm (2002 và 2003) được hưởng 2 lần chính sách về nhà, đất của Nhà nước, không đúng với quy định của Nghị định 61/CP.

Ngôi biệt thự “khủng” gây xôn xao dư luận của ông Truyền tại xã Sơn Đông, TP.Bến Tre. Ảnh: Internet

Ông Trần Văn Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định bán nhà của UBND TP. Hồ Chí Minh không đúng đối tượng và chính sách của Nhà nước.

Về căn nhà biệt thự tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre, với diện tích xây dựng tầng trệt 441,71m2; tổng diện tích sàn 1.226,61m2; công trình có 3 tầng với chiều cao là 19,96m, kinh phí xây dựng 7 tỷ đồng... Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận, ông Truyền đã “làm những việc pháp luật không cấm, nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên”.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, những khuyết điểm, vi phạm của ông Trần Văn Truyền đến mức phải thực hiện quy trình xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định. Ủy ban kiểm tra Trung ương yêu cầu ông Trần Văn Truyền kiểm điểm trách nhiệm theo quy trình về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên trước Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đồng thời, yêu cầu các thành viên trong gia đình thực hiện nghiêm các quyết định xử lý về nhà, đất của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm thực hiện kết luận của Ban Thường vụ tỉnh ủy về việc thu hồi thửa đất nói trên và việc cải tạo, sửa chữa, bán nhà số 6 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre; yêu cầu Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận theo hướng đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh; làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan khi không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại số 105 Nguyễn Trọng Tuyển.

Ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu từ cuối năm 2011. Trước khi nghỉ hưu, ông Truyền là Tổng thanh tra Chính phủ. Khi còn đương chức, ông có nhiều phát ngôn rất mạnh về chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể là vào cuối năm 2009, trong một lần trả lời báo chí, ông đã từng nói: Hồ sơ kê khai tài sản được theo dõi, quản lý theo cả một quá trình, ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu hoặc chuyển công tác sang ngành khác, địa phương khác. Trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý...

Từ kết luận trên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với ông Trần Văn Truyền thì quả là về hưu không phải đã hạ cánh an toàn. Và những tài sản của ông Truyền nếu có bị thu hồi thì âu đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi luật pháp không thiên vị bất cứ ai. Hơn nữa, chính bản thân ông Truyền cũng đã từng tuyên bố như vậy. Và ở đây, xin không bàn đến chuyện “ếch chết tại miệng” mà là vấn đề đang được dư luận cực kỳ quan tâm: Công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay ở nước ta.

Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra được kết luận rất hợp lòng dân và là một minh chứng rất rõ ràng cho quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Điều đó cũng thể hiện không có vùng cấm cho bất cứ ai. Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi, vì sao một cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng chống tham nhũng lẽ ra phải gương mẫu nhất, trong sạch nhất, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ càng cần phải gương mẫu hơn... thì lại cố tình làm sai đến như vậy? Rồi những cán bộ ở thành phố Hồ Chí Minh và Bến Tre do nể nang hay “có qua có lại” nên dám làm sai trong việc cấp, cho thuê nhà đất đối với ông Truyền(?) Nếu như địa phương nào, cơ quan nào cũng nể nang như vậy thì tính nghiêm minh của luật pháp có còn được thực thi(?)

Và dư luận cũng đã có câu trả lời, đó là vì vẫn còn kẽ hở quá lớn trong việc quản lý cán bộ công chức. Đặc biệt là trong việc thực hiện giải pháp liên quan đến phòng chống tham nhũng. Nếu việc kê khai tài sản ngay từ ban đầu và kê khai bổ sung hàng năm được thực hiện nghiêm túc mà chính Thanh tra Chính phủ tham mưu thì sẽ phát hiện được từ rất lâu rồi.

Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều trường hợp chỉ sau khi về hưu mới phát hiện được sai phạm. Còn người có sai phạm thì lại thường nghĩ mình đã “hạ cánh an toàn”, không ai làm gì được cả mà có làm chắc cũng chẳng sao. Chính vì vậy, dư luận cho rằng, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Truyền không những là việc làm hợp lòng dân mà còn tạo ra một tiền lệ rất tốt. Vì việc quản lý cán bộ không chỉ là quản lý từ lúc đương chức mà còn phải quản lý ngay cả lúc về hưu, đặc biệt đối với đảng viên đã từng giữ chức vụ cao. Và nếu cán bộ càng cao mà sai phạm thì càng phải xử lý nghiêm để làm gương. Như vậy mới ngăn chặn được tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và lấy lại niềm tin của nhân dân.

Hồ Văn

  • Từ khóa
25998

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu