Thứ 4, 24/04/2024 13:11:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:04, 17/10/2015 GMT+7

Phó chủ tịch UBND xã Tân Hòa có lạm quyền?

Thứ 7, 17/10/2015 | 13:04:00 906 lượt xem

BP - Sự kiện nổi bật tuần qua, gây xôn xao dư luận trong tỉnh là việc ông Nguyễn Hữu Trí - một công dân sống tại TP. Hồ Chí Minh đã khởi kiện vợ chồng chủ doanh nghiệp Thanh Cảnh đến Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú về những khuất tất trong sang nhượng vườn cây cao su tại xã Tân Hòa (Đồng Phú). Tuy nhiên, việc khởi kiện chỉ là bề nổi còn ẩn chứa trong đó là việc UBND xã Tân Hòa đã đình chỉ khai thác mủ cao su của ông Trí. Một việc làm trái pháp luật đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Từ vụ việc này, dư luận đang đặt câu hỏi, có phải UBND xã đã lạm quyền trong giải quyết đơn thư của công dân?

Năm 2014, ông Trí nhận sang nhượng lại vườn cao su từ bà Huỳnh Thị Mỹ, trú thị xã Thuận An (Bình Dương), chủ doanh nghiệp Thanh Cảnh 224.009m2 đất cao su tại xã Tân Hòa, với giá 7,5 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, sau khi bà Mỹ làm thủ tục sang tên đổi chủ xong thì ông Trí sẽ trả hết tiền. Hiện ông Trí đã trả được 3,75 tỷ đồng cho bà Mỹ và quản lý vườn cây từ tháng 5-2014. Chờ mãi không thấy bà Mỹ làm thủ tục sang tên, đổi sổ, ông Trí gọi điện thoại đến thì không liên lạc được với chủ doanh nghiệp Thanh Cảnh. Đến tháng 9-2014, chồng bà Mỹ là ông Huỳnh Văn Hai (một Việt kiều Úc) yêu cầu ông Trí trả tiền cho mình nhưng không được đồng ý, vì các thủ tục chưa xong. Ông Hai huy động 40 người vào lô cao su ngăn chặn việc khai thác mủ của ông Trí và đập phá một số vật tư. Trước đó, bà Mỹ đã có đơn đề nghị UBND xã Tân Hòa can thiệp, buộc ông Trí phải ngừng thu hoạch mủ vì không thực hiện đúng hợp đồng? UBND xã Tân Hòa “nhanh chóng” thành lập tổ xác minh đơn của bà Mỹ và lập biên bản yêu cầu ông Trí ngừng khai thác mủ cao su...

Vụ việc chỉ dừng lại ở mức tranh chấp nhỏ có thể giải quyết qua thương lượng, hòa giải nhưng UBND xã đã ra tay “quá nhanh” làm cho ông Trí bị thiệt hại nặng. Theo đó, ông Trí khai thác mỗi ngày bình quân khoảng 500kg mủ. Nhưng UBND xã đã lập biên bản và yêu cầu đình chỉ khai thác từ ngày 23-6-2015 đến nay, gây thiệt hại không nhỏ cho gia đình ông. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp phải qua các bước xác minh, hòa giải ở cơ sở... Nếu hòa giải bất thành thì UBND xã hướng dẫn đương sự chuyển hồ sơ lên cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo luật định. Ở đây, nếu UBND xã Tân Hòa tổ chức các buổi hòa giải không thành thì hướng dẫn đương sự chuyển hồ sơ đến Tòa án nhân dân huyện xem xét xử lý. Tại điều 5 của hợp đồng mua bán tài sản giữa ông Trí và bà Mỹ đã nói rõ: Nếu không thương lượng được thì một trong hai bên có đơn kiện đến tòa giải quyết.

Trong khi đó, bà Mỹ gửi đơn đến UBND xã Tân Hòa ngày 3-6-2015, thì cũng trong ngày này, UBND xã ra Quyết định số 48 để xác minh đơn của bà Mỹ. Và chỉ sau 20 ngày (23-6-2015), UBND xã đã lập biên bản và yêu cầu ông Trí phải ngừng khai thác mủ cao su. Như vậy, UBND xã đã không tổ chức hòa giải để xem xét nguyện vọng, quyền lợi cho các bên mà xử lý vụ việc “quá nhanh” đã làm cho dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ. Hơn nữa, UBND xã lại không có thẩm quyền yêu cầu ông Trí ngừng thu hoạch mủ khi chưa xác minh kỹ nội dung vụ việc. Vấn đề này, người thiệt hại lớn nhất là ông Trí vì vừa không khai thác được mủ cao su lại phải trả lương cho gần 20 công nhân đang thất nghiệp khi bị đình chỉ cạo mủ.

Một luật sư ở Đoàn luật sư Bình Phước cho hay, chưa biết tòa phân xử vụ kiện của ông Trí như thế nào, nhưng UBND xã Tân Hòa đã sai khi đình chỉ khai thác mủ của ông Trí. Nếu ông Trí  khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do ngưng cạo mủ thì UBND xã Tân Hòa lãnh đủ trách nhiệm. Qua đó cho thấy, từ một vụ việc đơn giản nhưng do thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức đã gây ra hệ lụy khôn lường. Và ai còn dám làm ăn ở địa phương này khi lãnh đạo xã còn to hơn pháp luật.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu