Thứ 6, 19/04/2024 19:11:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:17, 24/07/2019 GMT+7

Phối hợp 3 bên trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Thứ 4, 24/07/2019 | 14:17:00 1,047 lượt xem
BP - Trước kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 8, khóa IX, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức cho các đại biểu tiếp xúc cử tri ở 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tại các buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã chỉ rõ: Tỷ lệ giải quyết việc làm, đào tạo nghề đạt thấp và chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Để tìm hiểu rõ nguyên nhân, phóng viên Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với bà Tôn Ngọc Hạnh, Tỉnh ủy viên, quyền Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về vấn đề này, cùng với những giải pháp của ngành tham mưu UBND tỉnh thời gian tới để sớm chấm dứt tình trạng nêu trên.

PV: Tỷ lệ giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh trong những năm vừa qua và hiện nay đạt thấp, chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vậy, thực trạng về giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào và đâu là nguyên nhân, thưa bà?

Tôn Ngọc Hạnh: Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các địa phương. Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và UBND huyện, thị xã, thành phố, các chỉ tiêu đào tạo nghề và giải quyết việc làm hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao. Cụ thể: Năm 2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 38.790/30.000 người, đạt 129,3% kế hoạch; dạy nghề cho 11.841/6.000 người, đạt 197,3% kế hoạch. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã giải quyết việc làm cho 16.800/35.000 lao động, đạt 48% kế hoạch; dạy nghề cho 3.198 lao động, đạt 53,3% kế hoạch.

Để từng bước đưa công tác đào tạo nghề theo hướng “Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn công tác đào tạo nghề có sự phối hợp giữa 3 bên gồm doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động. Cụ thể, người lao động sau khi đăng ký học nghề sẽ được cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho người lao động trên chính dây chuyền, thiết bị hoặc vườn cây của doanh nghiệp, với người hướng dẫn dạy nghề là nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp và giáo viên của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp kiểm tra, nếu người lao động đạt yêu cầu sẽ được tiếp nhận vào làm việc.

Đào tạo nghề cạo mủ cao su cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đoàn Kết (Bù Đăng)

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký hợp đồng với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh mở 20 lớp đào tạo nghề theo hình thức nêu trên với sự tham gia của người lao động và Công ty TNHH Freewell, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề cũng đang chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho người lao động. Có thể nói, công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, sát thực tế và đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri và các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng: Tỷ lệ giải quyết việc làm, đào tạo nghề đạt thấp và chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là do những nguyên nhân như sau:

Về giải quyết việc làm: Nguồn kinh phí thực hiện công tác giải quyết việc làm hằng năm không được cấp để thực hiện công tác chuyên môn như: Thông tin, tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động, thông tin thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm... Mặt khác, nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm trong những năm qua (từ năm 2013-2019) không được phân bổ mới (cả nguồn địa phương và nguồn Trung ương). Từ đó ảnh hưởng nhiều đến các chỉ tiêu giải quyết việc làm mới theo kế hoạch đã được UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đề ra. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm theo dõi, chỉ đạo chưa thường xuyên đối với việc thực hiện công tác giải quyết việc làm. Đa số cán bộ phụ trách công tác lao động - việc làm ở huyện, thị, thành phố và ở xã, phường, thị trấn là kiêm nhiệm và phải thực hiện nhiều lĩnh vực quan trọng khác, vì thế việc thực hiện các kế hoạch chưa được tốt.

Nguồn lao động của tỉnh đa số chưa qua đào tạo, tay nghề yếu dẫn đến năng suất, chất lượng và nguồn thu nhập thấp nên vấn đề giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp. Đồng thời, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài rất nhiều, nhưng còn gặp khó khăn về chi phí đi xuất khẩu lao động. Do họ không thuộc diện chính sách nên không được vay vốn đi xuất khẩu lao động. Do đó, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh còn ít.

Về công tác đào tạo nghề: Một số trường nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm dạy nghề chưa có đủ năng lực, trang thiết bị máy móc, dụng cụ cho việc thực hành dạy các nghề mà doanh nghiệp đang tuyển dụng nhiều. Người lao động, gia đình người lao động chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng của việc học nghề để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp, mà có tâm lý khi vào làm việc cho các doanh nghiệp sẽ được đào tạo nghề nên việc dạy nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cần tuyển gặp khó khăn.

Kinh phí chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn hằng năm phân bổ chậm, do đó, các cơ sở dạy nghề gặp khó khăn trong công tác triển khai thực hiện như: tư vấn, tuyển sinh và đào tạo nghề cho người lao động. Công tác khảo sát thống kê nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua học nghề chưa thật sự chính xác do vẫn còn thiếu nguồn kinh phí cho việc thống kê, khảo sát cung - cầu lao động hằng năm. Một số doanh nghiệp mặc dù rất cần lao động qua đào tạo nhưng không muốn phối hợp đào tạo. Vì doanh nghiệp khi phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo cho người lao động sẽ gặp khó khăn trong việc chi phí nguyên nhiên vật liệu thực hành, hỗ trợ lương khi làm ra sản phẩm... khi quyết toán với ngành thuế.

PV: Để khắc phục những hạn chế trong công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề thời gian qua, ngành lao động đã, đang và sẽ tham mưu UBND tỉnh những giải pháp như thế nào, thưa bà?

Tôn Ngọc Hạnh: Trước hết về công tác giải quyết việc làm: Ngành sẽ tổ chức điều tra, bổ sung, cập nhật tình hình cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh; khảo sát thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp để xây dựng thị trường cung - cầu lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm và thực hiện tốt chức năng tư vấn giới thiệu việc làm để kết nối cung - cầu lao động, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin và tìm hiểu đầy đủ hơn về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn giải quyết việc làm cho các xã thuộc chương trình nông thôn mới được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Đối với những người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thì ưu tiên tuyển đi làm việc tại nước ngoài ở các thị trường phù hợp. Tăng cường công tác thanh - kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực giải quyết việc làm, dạy nghề để đảm bảo đạt các tiêu chí đặt ra.

Trong giai đoạn 2012-2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 297.862 lao động, đạt 120% kế hoạch giai đoạn, trong đó đưa được 972 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị duy trì mức dưới 3,2% và duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn mức trên 90%. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm do UBND tỉnh quản lý giải quyết cho vay 101.408 triệu đồng, qua đó đã giúp nhiều lao động tự tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh có thu nhập ổn định. Đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường lao động và đã tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm. Thông qua đó đã tư vấn, tuyên truyền về các chính sách việc làm, xuất khẩu lao động, học nghề, các chính sách bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách, pháp luật khác. Đồng thời, đã tư vấn, giới thiệu việc làm 68.933 lượt người lao động.

Về công tác đào tạo nghề: Tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề có sự phối hợp giữa 3 bên gồm doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động. Chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tham mưu UBND tỉnh phân bổ kịp thời kinh phí chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngay từ đầu năm, để các cơ sở dạy nghề chủ động triển khai thực hiện. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về việc làm, đào tạo nghề cho người lao động.

Phối hợp với các hội đoàn thể, địa phương và đơn vị dạy nghề tổ chức tuyên truyền vận động người lao động tham gia các lớp học nghề và thống kê, nắm chắc số lượng lao động có việc làm sau khi học nghề. Đồng thời, cùng với các hội đoàn thể xây dựng mô hình tổ chức sản xuất cho học viên sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo nghề nông thôn. Tiếp tục khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của người lao động tại các xã trên địa bàn tỉnh nói chung và các xã nông thôn mới nói riêng. Ưu tiên tuyển sinh đào tạo nghề cho người lao động thuộc chương trình xóa 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của Tỉnh ủy và người lao động tại các xã nông thôn mới theo chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng mô hình giới thiệu thanh niên dân tộc thiểu số tham gia lao động trong các khu công nghiệp dưới dạng: Chỉ là một người có uy tín trong nhóm để quản lý lao động là thanh niên dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số có hiệu quả.

Tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, bổ sung và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, ban hành chương trình - giáo trình phù hợp thực tiễn sản xuất, nâng cấp, sửa chữa nhà xưởng cho các cơ sở dạy nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Tiếp tục đầu tư đồng bộ trang thiết bị cho trường cao đẳng nghề để đào tạo chuyên sâu, đào tạo lao động có kỹ năng nghề cao.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Q.M (thực hiện)

  • Từ khóa
29129

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu