Thứ 6, 29/03/2024 07:07:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:25, 14/06/2019 GMT+7

Phòng chống dịch tốt, chờ giá lợn tăng

Thứ 6, 14/06/2019 | 07:25:00 204 lượt xem
BP - “Trong năm 2018, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở Trung Quốc, huyện Lộc Ninh đã tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn. Lộc Ninh được đánh giá là huyện làm tốt tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm… Nhờ đó, đến nay đàn lợn trên địa bàn huyện vẫn an toàn, khỏe mạnh” - bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh cho biết.

CHĂN NUÔI CÓ HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG TỐT

“Trong 6 tháng năm 2019, chăn nuôi trên địa bàn huyện Lộc Ninh tiếp tục ổn định và có hướng tăng trưởng tốt. Tổng sản lượng ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện 6 tháng ước đạt 19.706,4 tấn thịt. Quy mô chăn nuôi lợn toàn huyện có 63 trang trại (trang trại do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh thực hiện kiểm dịch nên cấp huyện không được phép vào kiểm tra trại nuôi lợn và có báo cáo về tổng đàn)...” - bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Hệ thống chuồng trại được hộ anh Nguyễn Văn Hà ở ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) xây dựng thông thoáng giúp lợn sinh trưởng tốt và không gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: Ngân Hà

Tính đến ngày 30-6, toàn huyện có 1.801 hộ nuôi lợn, với tổng đàn dao động 27.569 con, tăng 23,94% so cùng kỳ năm 2018 (tăng 6.600 con). Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Lộc Ninh, năm 2017, giá lợn hơi chạm đáy, người chăn nuôi thua lỗ, phá sản, nợ nần nên năm 2018, tổng đàn lợn nông hộ giảm sâu. Ngược lại, chăn nuôi lợn quy mô trang trại có hướng tăng trưởng cả về số trại và tổng đàn, tập trung ở khu vực các xã biên giới như Lộc Hòa, Lộc Thịnh, Lộc Thành, Lộc Tấn, Lộc Thạnh...

Cuối năm 2018, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở Trung Quốc, UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp chính quyền cơ sở tăng cường hoạt động truyền thông, tập huấn về nguy hại của dịch tả lợn châu Phi; nâng cao nhận thức người dân trong phòng ngừa dịch, bảo vệ an toàn đàn lợn. 6 tháng đầu năm 2019, khi dịch tràn vào Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Phước, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức 16 buổi tập huấn/16 xã, thị trấn về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho cán bộ xã, ấp, đoàn thể và trang trại chăn nuôi lợn dưới 500 con. Đồng thời, in tờ rơi tuyên truyền phòng dịch phát cho các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ.

Đến nay, trên địa bàn huyện Lộc Ninh chưa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Qua kiểm tra chưa xảy ra tình trạng vứt xác lợn dọc sông, suối như một số địa bàn khác. Tuy nhiên, đêm 24-4, khi kiểm dịch giết mổ, cán bộ thú y đã phát hiện tại lò mổ của 1 hộ kinh doanh ở xã Lộc Tấn có 7 con lợn dấu hiệu bị bệnh, trung tâm đã báo cáo nhanh về UBND huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, xã Lộc Tấn, Đội quản lý thị trường, Phòng Văn hóa - Thông tin, lực lượng công an niêm phong lập biên bản, lấy mẫu gửi Chi cục Thú y Vùng VI để xét nghiệm nhanh. Kết quả, 7 con lợn dương tính với bệnh lở mồm, long móng. UBND huyện Lộc Ninh đã ra quyết định tiêu hủy và thực hiện các biện pháp khử trùng, bao vây diệt dịch. 7 con lợn này được hộ kinh doanh mua ở Hớn Quản vận chuyển về để giết mổ.

 CHỜ GIÁ TĂNG

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nguyễn Thị Hồng khẳng định, khi có dịch xảy ra, thị trường giảm lượng thịt lợn bán ra do tâm lý người tiêu dùng lo sợ quay lưng với thực phẩm chủ lực trong bữa cơm gia đình nên tư thương có cơ hội đẩy giá lợn hơi xuống thấp. Cụ thể, đầu tháng 5, giá lợn hơi trên địa bàn huyện Lộc Ninh bình quân 49-50 ngàn đồng/kg, đến ngày 8-5 bắt đầu tuột dốc giảm chỉ còn 39 ngàn đồng/kg; đầu tháng 6 giảm còn 32-33 ngàn đồng/kg. Như vậy, người chăn nuôi lỗ 5.000-6.000 đồng/kg so với giá thành chăn nuôi là 38 ngàn đồng/kg.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 3-6, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 55 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130 ngàn tấn. Thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, mua hóa chất sát trùng.

Từ ngày 10-6, giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc tăng, có nơi lên đến 50 ngàn đồng/kg. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo trong những tháng cuối năm, giá lợn hơi sẽ còn tăng ở mức cao do tổng đàn giảm xuống mức thấp; nguồn lợn hơi dần khan hiếm. Trong lúc đó, người tiêu dùng đã trở lại sử dụng thực phẩm chủ lực là thịt lợn. Thế nhưng, giá lợn hơi trong 2 ngày 10 và 11-6 trên địa bàn huyện Lộc Ninh mới chỉ nhích dần lên 33-34 ngàn đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, thịt lợn lưu thông trên thị trường huyện (chợ) chủ yếu là từ nguồn chăn nuôi nông hộ. Sau “cơn bão” giá năm 2017, chăn nuôi lợn nông hộ khó vực dậy để tiếp tục duy trì. Theo đó, hộ chăn nuôi và tổng đàn lợn giảm sâu, chỉ bằng khoảng 20% của các năm 2015-2016. Chăn nuôi lợn bấp bênh cả về thị trường, dịch bệnh nên dù giá cao cũng rất ít nông dân mặn mà đầu tư chăn nuôi trở lại. Những người còn duy trì nuôi lợn đa phần chủ động một phần thức ăn từ nấu rượu, rau, cỏ... nhưng cũng không dám tăng đàn ồ ạt. Khi ở các địa phương khác trong cả nước đang khan hiếm thịt lợn do dịch tả càn quét thì không chỉ trang trại mà lợn ở các nông hộ cũng sẽ được thu mua với mức cao để bù vào chỗ hổng.

Từ những thông tin về thị trường thịt lợn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nông hộ ở Lộc Ninh cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để chờ giá lợn tăng, bù lỗ do giá giảm sâu.

Phương Hà

  • Từ khóa
44548

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu