Thứ 6, 19/04/2024 17:37:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:15, 14/11/2017 GMT+7

Phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong trường học

Thứ 3, 14/11/2017 | 06:15:00 558 lượt xem
BP - Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được đặt lên hàng đầu, trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Đối với ngành giáo dục, công tác vệ sinh ATTP càng được coi trọng, nhất là tại các bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục mầm non. Vì vậy, để bảo đảm ATTP trong hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh cần có nhiều giải pháp tích cực.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hầu hết học sinh mầm non, tiểu học và một số trường THCS tổ chức ăn tại trường theo hình thức bán trú. Lo lắng trước tình trạng mất vệ sinh ATTP nên vừa qua, Sở GD-ĐT có công văn yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp tập huấn đảm bảo vệ sinh ATTP tại các bếp ăn tập thể trong trường học cho giáo viên, công nhân viên và người trực tiếp nấu ăn. Bên cạnh đó, đưa nội dung giáo dục vệ sinh ATTP vào giảng dạy tích hợp, lồng ghép trong chương trình học chính khóa và ngoại khóa. Sở GD-ĐT cũng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất phục vụ bán trú, đồng thời chỉ đạo các trường học nghiêm túc thực hiện quy định về vệ sinh ATTP trong tổ chức nấu ăn cho học sinh.

Tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP cho các cơ sở bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh

 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đưa ra nhiều giải pháp quan trọng như: Triển khai và thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh ATTP. Chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo vệ sinh ATTP trong trường học. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân. Tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn về vệ sinh ATTP cho đối tượng liên quan. Phối hợp với ngành GD-ĐT trong tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho giáo viên bậc mầm non, tiểu học cũng như cấp dưỡng tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh...

Để đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, ông Phan Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng: “Các trường học cần hợp đồng mua bán thực phẩm an toàn; không mua thực phẩm làm sẵn, chế biến sẵn khi không kiểm soát được nguyên liệu đầu vào. Đối với người trực tiếp chế biến, cho trẻ ăn cần tuân thủ các quy định khám sức khỏe định kỳ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi bắt đầu công việc. Đồng thời phải trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, đúng chủng loại. Nhà trường cần thường xuyên phối hợp hội cha mẹ học sinh, ban kiểm tra, công đoàn... kiểm tra, theo dõi thường xuyên, đột xuất khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho các cháu tại bếp ăn nhằm hạn chế tối đa tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; thực phẩm phải đủ dinh dưỡng, chất lượng...”.

 Thức ăn không được chế biến kỹ, nấu xong để lâu hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận rất dễ xảy ra ngộ độc. Ông Dũng cho biết: “Thức ăn để trước 2 giờ có thể tạm coi là vô khuẩn nhưng sau 2 giờ, vi khuẩn có thể đã nhân lên gây ngộ độc. Rau quả chỉ có thể bảo quản được từ 3-5 ngày trong tủ lạnh. Việc vệ sinh tay và dụng cụ đựng thức ăn trong quá trình chế biến thực phẩm cũng rất cần được quan tâm. Đối với tủ lạnh, chỉ ngăn đá là vi khuẩn không phát triển; các ngăn làm lạnh có tác dụng hạn chế, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Do vậy, nếu để quá nhiều đồ vào tủ lạnh, không khí không lưu thông, nhiệt độ không đảm bảo, thực phẩm sống, chín để lẫn lộn sẽ làm cho thực phẩm nhanh hỏng”.

Nhờ sự chủ động của ngành giáo dục và đơn vị an toàn vệ sinh thực phẩm các cấp nên hiện việc bảo đảm vệ sinh ATTP tại các trường bán trú, bếp ăn tập thể ở Bình Phước đi vào nền nếp và chưa để xảy ra sự cố đáng tiếc nào ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên được tập huấn kiến thức thực hành dinh dưỡng, vệ sinh ATTP, vệ sinh chế biến, vệ sinh trong ăn uống. Đây là tín hiệu vui trong chăm sóc sức khỏe học sinh, đảm bảo vệ sinh ATTP tại các trường học.

Phương Thúy

  • Từ khóa
87270

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu