Thứ 6, 29/03/2024 12:41:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:32, 21/08/2016 GMT+7

Phòng, chống sốt xuất huyết theo phương châm: Không có lăng quăng sẽ không có sốt xuất huyết

Chủ nhật, 21/08/2016 | 07:32:00 391 lượt xem
BP - Bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Cả 11/11 huyện, thị xã đều có số ca mắc SXH tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. SXH hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và có nguy cơ dẫn đến tử vong khá cao nếu không được chữa trị kịp thời. Phóng viên Báo Bình Phước phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế về thực trạng cũng như giải pháp phòng, chống bệnh SXH.

Xin ông cho biết thực trạng cũng như nguyên nhân vì sao bệnh SXH năm nay lại tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2015?

Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông: Tình hình SXH trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2015, tuần sau cao hơn tuần trước. Theo số liệu từ đầu năm đến ngày 31-7-2016, toàn tỉnh ghi nhận 1.622 ca mắc SXH, không có tử vong,  tăng 1.282 ca so cùng kỳ năm 2015. 11/11 huyện, thị xã đều tăng, cao nhất là Chơn Thành tăng 447 ca, Đồng Xoài tăng 193 ca, Đồng Phú tăng 165 ca, Bù Đăng tăng 122 ca, Bù Gia Mập tăng 85 ca, Phú Riềng tăng 70 ca, Phước Long tăng 50 ca, Bù Đốp tăng 46 ca, Hớn Quản tăng 42 ca, Bình Long tăng 36 ca và Lộc Ninh tăng 26 ca. Trong đó, mắc SXH dưới 15 tuổi là 560 ca, chiếm 34,5%; trên 15 tuổi 1.062 ca, chiếm 65,5%.

Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã quá tải bệnh nhân điều trị SXHKhoa Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã quá tải bệnh nhân điều trị SXH

Số ca mắc SXH năm nay tăng nằm trong dự báo của sở vì SXH thường hoạt động theo chu kỳ từ 3-5 năm. Vì thế, sở đã có những giải pháp kịp thời khống chế được số ca mắc nên SXH không bùng phát thành dịch. Ngoài nguyên nhân chính là tính chu kỳ của bệnh SXH còn do sự tham gia của người dân. Từng hộ và cộng đồng dân cư cũng như các ban, ngành, đoàn thể ý thức và biện pháp phòng, chống SXH chưa cao. Năm 2016, hiện tượng El nino làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường, cộng với hạn hán kéo dài trên diện rộng nên nhiều hộ tăng dụng cụ trữ nước, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng phát sinh trên diện rộng.

Một số người dân trong vùng ổ bệnh SXH tại huyện Chơn Thành cho rằng chất lượng hóa chất diệt muỗi năm nay không hiệu quả so với những năm trước. Quan điểm của ngành y tế trong vấn đề này như thế nào thưa ông?

Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông: Phun hóa chất diệt côn trùng, trong đó diệt muỗi chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững. Phun hóa chất trong phòng, chống SXH là phun khí dung, hóa chất chỉ có tác dụng diệt muỗi trưởng thành đang có tại thời gian phun hóa chất. Do đó, trong phòng chống SXH cần kết hợp diệt lăng quăng triệt để với phun hóa chất mới mang lại hiệu quả cao. Nếu không triệt để diệt lăng quăng thì ngay sau khi phun hóa chất, những con lăng quăng có trong dụng cụ chứa nước lại nở thành muỗi và những con muỗi trưởng thành mới này hoàn toàn không bị tác động bởi hóa chất phun trước đó. Điều này lý giải tại sao sau khi phun hóa chất, mật độ muỗi vẫn không giảm.

Xin ông cho biết những khó khăn trong phòng, chống bệnh SXH hiện nay?

Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông: Qua khảo sát của chúng tôi, ở một số nơi trung bình mỗi hộ có đến 5 dụng cụ chứa nước đều có lăng quăng. Đây là chỉ số rất cao trong giám sát phòng chống SXH. Khi chính quyền và ngành y tế phát động, vận động và tổ chức diệt lăng quăng thì sự tham gia của người dân, từng hộ và của cộng đồng dân cư ở đây chưa thật sự tích cực. Sau khi tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất xong, chỉ số lăng quăng vẫn còn rất cao và đây là nguyên nhân chính khiến SXH tại những nơi này không giảm. Bên cạnh đó, lượng lớn nhân công lao động chưa miễn dịch với bệnh SXH lại sống trong các khu nhà trọ không đảm bảo, ẩm thấp, chật chội nên nguy cơ mắc bệnh đối với nhóm người này rất cao. Trong khi đó, kinh phí chống dịch, đặc biệt phòng, chống SXH từ đầu năm 2016 của Trung ương chưa được cấp, kinh phí các địa phương rất hạn chế nên việc chống dịch gặp nhiều khó khăn.    

Số ca mắc SXH khá cao so với cùng kỳ nhưng vì sao Bình Phước hiện chưa công bố dịch thưa ông?

Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông: Bình Phước vừa xảy ra dịch bạch hầu trên địa bàn huyện Đồng Phú, chính quyền các cấp và ngành y tế đã tập trung cao độ cả nhân lực và vật lực vào chống dịch bạch hầu. Kèm theo đó là tình hình SXH cũng gia tăng đến mức báo động. Tuy nhiên, khi so sánh mức độ nguy hiểm và khả năng lây lan giữa 2 nhóm bệnh, chúng tôi phải lựa chọn ưu tiên cho công tác chống dịch bạch hầu trước. Mặc dù chưa công bố dịch SXH nhưng ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm túc hướng dẫn giám sát phòng chống SXH do Bộ Y tế ban hành. Do đó, ở những nơi có số ca mắc SXH tăng cao đã thực hiện những hoạt động cụ thể để khống chế ca bệnh. Mặt khác, phòng, chống SXH là trách nhiệm chung của mỗi người dân, từng gia đình và của cả cộng đồng cũng như các ban, ngành, đoàn thể... Đồng thời, các hoạt động phòng chống SXH phải được thực hiện thường xuyên và liên tục, bắt đầu từ các gia đình, cộng đồng khu dân cư và sự tham gia của toàn xã hội thì SXH mới có thể giảm và duy trì bền vững.

Mức độ nguy hiểm và khuyến cáo của ngành y tế đối với tình hình SXH hiện nay như thế nào thưa ông? 

Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông: SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gây dịch. Mức độ nguy hiểm của căn bệnh này là hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dễ lây lan gây nên dịch và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong phòng chống SXH, biện pháp căn cơ, bền vững nhất là phòng ngừa làm sao để không có muỗi truyền bệnh hoặc nếu có thì mật độ muỗi phải ở mức rất thấp, không có khả năng truyền bệnh, lây lan ra cộng đồng. Muốn làm được điều này, phải thực hiện tốt công tác diệt lăng quăng ở từng hộ dân. Các cơ quan, đơn vị, công trình xây dựng và những nơi công cộng phải hành động theo phương châm “Không có lăng quăng sẽ không có SXH”.

Hiện không có bất kỳ biện pháp nào giúp loại bỏ muỗi ra khỏi môi trường sống một cách triệt để. Các biện pháp đang sử dụng phổ biến như ngủ màn, dùng vợt muỗi, thả cá, súc rửa dụng cụ chứa nước, bôi kem... chỉ hạn chế phần nào số lượng muỗi hoặc khả năng bị muỗi chích. Ngay cả việc dùng bình xịt hay phun hóa chất cũng chỉ đem lại hiệu quả tại thời điểm ứng dụng, sau đó, nếu gặp thời tiết thuận lợi, muỗi lại sinh sôi phát triển. Tuy nhiên, việc duy trì thói quen sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi vẫn đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống bệnh SXH và các bệnh truyền nhiễm khác.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
58106

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu