Thứ 6, 19/04/2024 03:08:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 09:43, 23/01/2019 GMT+7

Phong trào Cần Vương

Thứ 4, 23/01/2019 | 09:43:00 4,694 lượt xem
BP - Sau khi chiếm xong một phần Bắc kỳ, tháng 8-1883, Pháp tấn công cửa biển Thuận An để buộc triều đình Huế phải ký các hiệp ước bán nước. Nội bộ nhà Nguyễn chia làm 2 phe, phe chủ chiến do Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết đứng đầu kiên quyết đánh đuổi quân Pháp xâm lược. Để đánh Pháp, Tôn Thất Thuyết chiêu mộ binh sĩ, xây dựng 2 tuyến phòng thủ khá kiên cố từ Quảng Nam đến Bình Thuận và từ Quảng Trị đến Ninh Bình.

Tháng 7-1884, Tôn Thất Thuyết phế truất vua thân Pháp là Kiến Phúc lập Ưng Lịch (14 tuổi) lên ngôi, lấy hiệu Hàm Nghi. Pháp đưa lính đến đồn Mang Cá khống chế triều đình, Tôn Thất Thuyết tăng cường binh sĩ, bí mật đắp chiến hào trong hoàng cung chuẩn bị đối phó. Đêm 4-7-1885, Tôn Thất Thuyết bí mật chia quân 2 cánh tấn công đồn Mang Cá và sứ quán Pháp ở bờ Nam sông Hương. Quân Pháp dựa vào công sự và hỏa lực mạnh chống cự cầm chừng để chờ trời sáng phản công. Sáng 5-7-1885, Pháp đưa 3 đại đội lính phản công đánh bật quân của Tôn Thất Thuyết ra khỏi các vị trí đã chiếm được. Đi đến đâu Pháp đốt phá nhà cửa, dinh thự, tàn sát dân chúng đến đó và tiến thẳng vào hoàng cung cướp bóc vàng bạc đóng gói chở về nước.

Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị) tiếp tục chiến đấu. Tại đây, ngày 13-7-1885, Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương lần thứ nhất. Pháp tấn công vào Tân Sở, Tôn Thất Thuyết lại đưa Hàm Nghi sang Lào rồi vòng về phòng tuyến Ấu Sơn ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Ngày 20-9-1885, tại Hương Khê, đích thân vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương lần hai. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, nhân dân khắp nơi nhất tề đứng lên chống Pháp như khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng; khởi nghĩa Ba Đình của Đinh Công Tráng, Phạm Bành; khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định; khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật và phong trào của nhân dân tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ngãi... Thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa đều xem Hàm Nghi là lãnh tụ của phong trào chống Pháp. Triều đình nhà Nguyễn và bọn cướp nước đã nhiều lần gửi thư dụ hàng nhưng đều bị Hàm Nghi khước từ. Để tăng cường lực lượng, tháng 2-1887, Tôn Thất Thuyết sang Trung Quốc nhờ hỗ trợ binh khí. Khi Tôn Thất Thuyết ở Trung Quốc thì đêm 26-9-1888, trong hàng ngũ của Hàm Nghi có 2 kẻ phản bội, dẫn đường cho Pháp đến bắt sống vua và đưa sang giam lỏng ở châu Phi. Phong trào Cần Vương bị suy yếu nhanh chóng, nhiều cuộc khởi của nhân dân bị Pháp dập tắt.

Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, phong trào Cần Vương là một cuộc đấu tranh do các sĩ phu văn thân yêu nước lãnh đạo nên trang bị thiếu thốn về mọi mặt cũng như kinh nghiệm chiến đấu dẫn tới sự thất bại. Tuy nhiên, phong trào Cần Vương đã để lại nhiều bài học giá trị trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta như phải xây dựng được sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, phải có một ngọn cờ lãnh đạo thống nhất, có lực lượng và đường lối chính trị để đi tới thắng lợi cuối cùng.

T.P (Trích các sự kiện nổi bật trên thế giới)

  • Từ khóa
66666

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu