Thứ 5, 25/04/2024 21:04:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:33, 20/06/2015 GMT+7

Phụ nữ xã Bình Minh: Làm theo Bác bằng những việc cụ thể

Thứ 7, 20/06/2015 | 10:33:00 1,545 lượt xem
BP - Những năm qua, Hội liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh (Bù Đăng) đã có nhiều cách làm hay, phù hợp với điều kiện của từng chi hội, giúp hội viên vươn lên trong cuộc sống. Hội nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh và năm 2015 được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

NHỮNG VIỆC LÀM THIẾT THỰC

Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Minh cho biết: Hiện các hoạt động hội đều gắn với nội dung của Chỉ thị số 03. Trước hết, để học Bác lối sống ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, hội đã xây dựng Câu lạc bộ “5 không, 3 sạch” và hầu hết hội viên đều đăng ký thực hiện. Hội còn xây dựng các tuyến đường không rác tại 5/8 thôn và vận động mỗi chi hội đào 5 hố rác tự hủy. Đối với những gia đình sống hai bên đường, không có đất vườn, rác được phân loại rồi phơi khô đem đốt, giảm tình trạng vứt rác bừa bãi. Hội còn vận động mỗi hộ hội viên đóng 500 ngàn đồng mua cột điện và bóng đèn thắp sáng nhằm hạn chế tai nạn giao thông và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Gia đình chị Trần Thị Cẩm Hồng được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế

Phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hội đã triển khai nhiều cách làm hay giúp hội viên khó khăn, như xây dựng hũ gạo tình thương, nuôi heo đất... Mỗi bữa ăn, các chị bớt ra một nắm gạo bỏ vào hũ gạo cá nhân, đến cuối tháng bỏ vào hũ gạo chung của mỗi chi hội để giúp hội viên nghèo. Ngày 8-3 và 20-10 hàng năm, các chi hội tổ chức đập heo đất một lần. Số tiền tiết kiệm được dành giúp đỡ các hội viên khó khăn để trang trải cuộc sống hoặc đầu tư chăn nuôi hay chăm sóc vườn cây.

Công tác vận động hội viên đóng góp xây nhà tình thương cho chị em có hoàn cảnh khó khăn được đông đảo hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Gia đình chị Lộc Thị Thi ở thôn 5 có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở dột nát. Bản thân chị Thi đau ốm thường xuyên, 2 con còn nhỏ, mọi chi tiêu trong nhà đều do chồng chị cáng đáng. Năm 2014, được hội hỗ trợ 20 triệu đồng, vợ chồng chị vay mượn thêm đã làm được căn nhà kiên cố. Chị Thi cho biết: Giờ gia đình tôi đã có chỗ ở an toàn, không còn lo nắng mưa như trước.     

...CÙNG NHIỀU MÔ HÌNH THIẾT THỰC

Đẩy mạnh việc học và làm theo Bác, những năm qua, Hội Phụ nữ xã Bình Minh còn xây dựng nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế. Năm 2013, hội vận động hội viên đóng góp mua một con bò và giao cho hộ chị Trần Thị Cẩm Hồng (hội viên nghèo thôn 2) nuôi để phát triển kinh tế theo hướng xoay vòng. Đến nay, bò mẹ đã sinh được một bê con. Tháng 10 tới, Hội sẽ nhận bò con và giao cho hội viên khó khăn khác nuôi. Chị Hồng phấn khởi nói: “Giờ có một bò mẹ làm vốn phát triển kinh tế, tôi vui lắm, chắc cuối năm gia đình sẽ thoát nghèo”.

Năm 2014, Hội Phụ nữ xã Bình Minh vận động được 29 sổ tiết kiệm (1 triệu đồng/sổ) tặng 29 hội viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vận động các chi hội và hội viên ủng hộ hũ gạo tiết kiệm với hình thức ống gạo nghĩa tình, túi gạo tình thương được 3.410kg tặng 205 chị. Đầu năm 2015, hội vận động các mạnh thường quân hỗ trợ 2.000kg gạo và 200 phần quà giúp 54 hộ nghèo, 64 hộ cận nghèo và 82 hộ khó khăn. Qua đó góp phần giảm số hộ nghèo của xã từ 72 hộ trong năm 2014 xuống còn 64 hộ vào đầu năm 2015.

Cùng chung niềm vui, năm 2011, gia đình chị Hà Thị Lệ Kiều (hội viên nghèo thôn 8) cũng được hỗ trợ một con heo từ hình thức góp vốn mua heo nuôi xoay vòng của Chi hội phụ nữ thôn 8. Sau một năm đã phát triển thành một đàn heo con. Nhờ đó, năm 2012 gia đình chị đã thoát nghèo và trả lại một heo con để chi hội cho hộ khác nuôi. Đến nay đã có 6 chị được hỗ trợ heo, trong đó 5 con đã sinh sản, giúp nhiều chị vươn lên ổn định cuộc sống. Chị Đỗ Thị Nguyệt, Chi hội trưởng phụ nữ thôn 8 cho biết: Ngoài nuôi heo, chi hội còn duy trì 2 tổ nuôi gà. Mỗi tổ nuôi 10 con, cứ sau 1 năm, tổ lại chuyển 10 con gà cho hộ khác nuôi để giúp nhau phát triển kinh tế.

Song song đó, hội còn duy trì câu lạc bộ dệt thổ cẩm nhằm phát huy, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Dù mới thành lập cuối năm 2014, nhưng câu lạc bộ đã có 20 người tham gia. Chị Thị Xia, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của đồng bào Xêtiêng. Nghề này đang dần bị mai một nên chúng tôi muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa này. Hưởng ứng lễ hội các dân tộc thiểu số do tỉnh tổ chức vừa qua, câu lạc bộ đã may 50 bộ đồ phục vụ lễ hội”.

Thùy Hương

  • Từ khóa
1892

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu