Thứ 4, 24/04/2024 01:50:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:50, 24/12/2016 GMT+7

Phú Trung “gập ghềnh” đường tới nông thôn mới

Thứ 7, 24/12/2016 | 13:50:00 1,490 lượt xem

BP - Cùng với việc giữ vững 11/19 tiêu chí đã đạt thì thực hiện tiếp những tiêu chí quan trọng như: Đường giao thông, môi trường, chợ nông thôn... ở xã Phú Trung (Phú Riềng) vẫn chưa thể khởi động. Phú Trung đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Bởi đây là những tiêu chí đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên muốn cán đích đúng tiến độ phải phát huy tốt nội lực cùng sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, ngành.

CHƯA BIẾT KHI NÀO CÓ CHỢ

Nhiều năm nay, người dân xã Phú Trung mong mỏi có chợ nhưng vẫn chưa thành hiện thực. Không có nơi họp chợ nên mọi hoạt động mua bán diễn ra chớp nhoáng bên lề đường gần trung tâm xã và trường học, làm mất mỹ quan và trật tự an toàn giao thông.

Từ khoảng 5 giờ sáng, chợ họp “xổm” bắt đầu ngay bên lề đường, chủ yếu bán thực phẩm tươi sống như rau, củ và thịt, cá “cây nhà lá vườn”. Một số hộ gần đường có sạp thì lấy thực phẩm từ nơi khác về bán. Chợ chỉ họp từ 5-7 giờ sáng, phụ huynh đưa con đến trường hay đi rẫy, cạo mủ cao su tiện ghé mua. Người bán và hàng thì trong vỉa hè, còn lòng lề đường là chỗ để xe máy, xe đạp của người mua, tạo nên cảnh nhốn nháo.

Trên địa bàn xã Phú Trung không có doanh nghiệp nên tranh thủ lúc nhàn rỗi, người dân nhận hàng gia công về làm để thêm thu nhập

Chị Phùng Thị Hà, thôn Phú An chia sẻ: Bận đi cạo mủ cao su nên hằng ngày tôi phải dậy sớm mua thức ăn, rau, củ tại các quầy hàng quen hoặc từ người bán dạo. Các quầy hàng nhỏ bán thức ăn hằng ngày không đa dạng, phong phú nên muốn thay đổi món cũng khó. Muốn mua vật dụng cần thiết phải đi xa rất mất thời gian. Đó là chưa kể trời mưa đi lại khó khăn. Người dân đi qua đoạn đường họp chợ phải né người mua bán. Rất mong xã sớm có chợ để nhân dân tiện đi lại, mua sắm và trao đổi hàng hóa.

Chị Nguyễn Thị Thuận, người bán hàng bên lề đường cho biết: Vì chợ tự phát nên ai muốn ngồi đâu cũng được. Buôn bán không ai quản lý, nắng mưa thì tự che chắn. Vì nhu cầu cuộc sống nên bất đắc dĩ chúng tôi phải họp chợ tạm ở dọc đường. Biết là mất an toàn giao thông nhưng không còn cách nào hơn. Nếu không họp chợ ở đây thì bà con trong xã biết mua bán ở đâu? Mong muốn của chúng tôi là được đầu tư xây chợ để ổn định kinh doanh.

Phú Trung có 7 thôn, dân cư sống rải rác, 90% số dân trong xã sống bằng nghề nông. Trên địa bàn xã không có doanh nghiệp hoạt động, chúng tôi tìm mỏi mắt cũng không có quán ăn, tiệm bán đồ gia dụng, cửa hàng vật liệu xây dựng. Người dân muốn mua sắm phải đi hàng chục, thậm chí vài chục cây số để ra chợ Phú Riềng (Phú Riềng) hoặc chợ Bù Na (Bù Đăng). Ông Nguyễn Quý Hà, Phó chủ tịch UBND xã Phú Trung cho rằng: Việc họp chợ tự phát là vi phạm hành lang bảo vệ đường bộ, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Tuy nhiên, xã không có vốn và quỹ đất để xây chợ. Mặc dù xã đã có chủ trương kêu gọi đầu tư và xin đất của Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết. Từ nhu cầu thực tế, chúng tôi tiếp tục đề nghị các cấp, ngành xem xét quy hoạch xây dựng chợ xã Phú Trung để người dân có chỗ mua bán an toàn.

HẠ TẦNG CƠ SỞ THIẾU NHIỀU

Phú Trung thuộc xã giai đoạn 3 đầu tư xây dựng NTM nên chưa được phân bổ vốn. Người dân chủ yếu có mức sống trung bình, trên địa bàn không có doanh nghiệp nên việc huy động vốn lớn từ nhân dân để làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn.

Ở mỗi thôn Phú Nghĩa, Phú Bình, Phú An, Phú Tiến còn khoảng 20 hộ chưa có điện, do các hộ này ở xa trụ điện chính. Chị Chu Thị Vân ở thôn Phú An than thở: Trụ điện chính chỉ cách nhà 1km nhưng nhiều năm nay gia đình tôi và các hộ lân cận phải sống trong cảnh tù mù. Mới đây, các hộ tự góp tiền mua dây kéo điện từ trụ điện chính về. Vì không có đường hành lang nên các hộ phải kéo dây điện qua lô cao su, vì vậy thường xuyên bị chập điện, sét đánh hoặc bị kẻ gian cắt trộm dây. Điện kéo xa, lại đông nhà dùng chung nên chập chờn và yếu khiến tivi, tủ lạnh, quạt điện, đèn... nhanh hỏng. Thiếu điện không chỉ khó khăn trong sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến việc học của con cái.

Ông Nguyễn Quý Hà cho biết thêm: Trước mắt, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã phân bổ 2,6 tỷ đồng kéo điện chiếu sáng vào khu 19 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thôn Phú Tiến. Các hộ này di cư từ nơi khác đến sinh sống đã 15 năm nhưng vẫn chưa có điện, đường đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất. Đây là nỗ lực của ngành điện đưa ánh sáng về thôn khó khăn nhất của xã. Còn một số hộ ở xa, đợi khi có vốn phân bổ sẽ tiếp tục hạ thế.

Khó khăn nhất ở Phú Trung hiện nay là thực hiện tiêu chí môi trường. Rác thải vẫn do người dân tự xử lý bằng cách đốt và đào hố chôn. Người dân mong có một chiếc xe trung chuyển rác từ xã đến khu tập trung rác thải của huyện Phú Riềng nhưng chưa thành hiện thực. Bên cạnh đó, một số tuyến đường liên ấp xuống cấp, mưa lớn nước chảy tràn làm xói mòn, sạt lở, mặt đường trơn trượt gây khó khăn cho người dân mỗi khi qua lại. Đặc biệt, khi trời mưa, người dân tham gia giao thông phải dùng dây xích quấn quanh bánh xe để vào rẫy. Vận chuyển nông sản ra điểm thu mua khó khăn nên bị thương lái ép giá là chuyện không tránh khỏi.

Dù Phú Trung đã đạt 11/19 tiêu chí nhưng là những tiêu chí dễ đạt, các tiêu chí cần vốn đầu tư lớn vẫn còn nhiều khó khăn. Để hoàn thành các tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM, trước mắt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Trung còn nhiều việc phải làm.

N. Hà

  • Từ khóa
1309

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu