Thứ 7, 20/04/2024 09:09:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:49, 27/11/2015 GMT+7

Phước Long tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Thứ 6, 27/11/2015 | 13:49:00 124 lượt xem
BP - Trước cảnh báo dịch sốt xuất huyết (SXH) sẽ tăng vào những tháng cuối năm và diễn biến phức tạp theo chu kỳ, Trung tâm Y tế thị xã Phước Long đã có kế hoạch chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời khi có dịch.

Bám sát địa bàn nguy cơ cao

Bà Phạm Thị Kim Cúc, Trưởng trạm Y tế xã Phước Tín cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn xã có 18 ca mắc SXH, trong đó thôn Phước Yên 7 ca, còn lại rải rác ở các thôn khác. Nguyên nhân do người dân chưa ý thức phòng bệnh, không chủ động vệ sinh nơi ở, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và truyền bệnh. Nhiều người dân trong xã thấy lạ vì nghĩ rằng, SXH thường xuất hiện ở khu vực sát vườn cao su và gần sông như các thôn Hưng Lập, Bàu Nghé. Nhưng năm nay, số ca mắc SXH lại tăng cao ở thôn Phước Yên - địa bàn có đông dân cư sinh sống.

Cán bộ y tế tuyên truyền sốt xuất huyết tại khu nhà trọ ở khu phố 1, phường Phước Bình

Trước sự thay đổi này nhân viên y tế Phạm Thị Lan đã tăng cường đến nhà dân tuyên truyền, giúp nâng cao ý thức phòng bệnh. Chị Lan chia sẻ: “Nhân viên y tế kết hợp y tế thôn bản trực tiếp tới tận nhà tuyên truyền để người dân biết cách phòng bệnh. Thế nhưng, một số người lại cho rằng chúng tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Có người khi thấy nhân viên y tế đến thì đóng cửa, không tiếp”.

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Thuận, Trưởng phòng khám đa khoa kiêm Trưởng trạm Y tế phường Phước Bình cho rằng, năm nay những nơi tập trung đông người ở, đặc biệt khu nhà trọ ẩm thấp có nguy cơ bùng phát dịch SXH. Tuy nhiên, việc tiếp cận rất khó, bởi người dân làm việc giờ giấc không ổn định.

Anh Lê Văn Bơ, trọ ở khu phố 1, phường Phước Bình thừa nhận: Tôi bán vé số đi từ sáng đến tối mới về nhà trọ ngủ nên không có thời gian nghe nhân viên y tế tuyên truyền về bệnh SXH.

Để tăng cường tuyên truyền giúp người dân chủ động phòng, chống SXH, thời gian qua Trạm Y tế xã Phước Tín và 2 phường Phước Bình, Long Phước đã cử nhân viên y tế kết hợp y tế thôn bản thường xuyên đến nhà tư vấn. Đội ngũ này tranh thủ lúc người lao động ở nhà để thăm hỏi, phổ biến kiến thức. Bác sĩ Thuận cho biết: “Phường Phước Bình có hàng chục nhà trọ, mỗi nhà trọ có từ 10-20 phòng nên nhân viên y tế làm việc không xuể. Hiểu rõ hậu quả của dịch SXH nên lãnh đạo trạm luôn quan tâm, động viên họ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Tuyên truyền người dân chủ động bảo vệ sức khỏe

Đến hết tháng 9, thị xã Phước Long có 99 ca mắc SXH, trong đó 2 ca nặng, không có ca nào tử vong. Địa bàn đông dân cư, đặc biệt nhiều lao động nhập cư thì số ca mắc SXH như trên là thấp. Trung bình kinh phí để xử lý một ổ dịch ở khu dân cư lên đến 40 triệu đồng (gồm tiền xăng xe, công phun, thuốc). Bên cạnh đó, người mắc SXH phải bỏ ra số tiền không nhỏ để điều trị, ca nặng phải chuyển tuyến trên, có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, kinh phí chủ động phòng, chống dịch ở mỗi xã, phường chỉ 6-7 triệu đồng.

Bác sĩ Phí Ngọc Trứ, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Phước Long

Ngoài kế hoạch năm, trung tâm còn triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Asean phòng, chống SXH lần thứ V (vào ngày 15-6 hằng năm). Triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động cho 1.400 hộ tại địa bàn có nguy cơ như các thôn Phước Lộc, Phước Yên (xã Phước Tín); khu phố Long Điền 1, Long Điền 2 (phường Long Phước). Nhân viên y tế đến tận nhà tuyên truyền, phát tờ rơi, phối hợp, hướng dẫn xử lý dụng cụ chứa nước.

Bác sĩ Phí Ngọc Trứ, Giám đốc trung tâm cho biết: Khi phun hóa chất chủ động, trung tâm thành lập đoàn giám sát hỗ trợ chuyên môn, điều tra côn trùng, kỹ thuật pha, vận hành máy phun hóa chất và thông báo thời gian phun đến các hộ dân để phối hợp thực hiện. Chiến dịch diệt lăng quăng được thực hiện 2 vòng, mỗi vòng 3 ngày. Bên cạnh đó, trung tâm y tế tham mưu UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường huy động hơn 400 cộng tác viên đi tuyên truyền tại các hộ dân. Nhờ đó người dân nâng cao ý thức phòng, chống SXH.

Cách làm này của Trung tâm Y tế thị xã Phước Long hiện được ngành y tế đánh giá cao. Không chỉ giảm số ca mắc SXH, giảm lây lan dịch bệnh mà kinh phí đầu tư thấp, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng, chống SXH.

P.Dung

  • Từ khóa
52980

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu