Thứ 6, 19/04/2024 17:37:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:22, 17/07/2019 GMT+7

Quan tâm đấu tranh ở lĩnh vực “nhạy cảm”

Thứ 4, 17/07/2019 | 09:22:00 172 lượt xem
BP - Theo báo cáo sơ kết của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an, 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát kinh tế cả nước phát hiện 9.948 vụ phạm tội, vi phạm về kinh tế, tăng 12% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 1.139 vụ buôn lậu; 2.733 vụ buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; 289 vụ hàng giả...

Thực tế nêu trên cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng trên cả nước đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, được dư luận xã hội quan tâm, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên... Nhiều vụ án trọng điểm được triệt phá thời gian qua đã đánh đúng và trúng đối tượng, tạo sự chuyển biến căn bản tình hình tại nhiều bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, địa phương... góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội đất nước phát triển. Đồng thời, thể hiện công tác điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng được nâng cao cả về chất và lượng; ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra được bảo đảm, có sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng... và hạn chế tối đa tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm hay bức cung, nhục hình.

Bình Phước cũng không phải ngoại lệ, trong 6 tháng đầu năm, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh và đội nghiệp vụ công an các huyện, thị, thành phố đã tăng cường sử dụng biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm về kinh tế và tham nhũng. Qua đó, phát hiện và xử lý 280 vụ - 231 đối tượng vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng; đã khởi tố 32 vụ - 39 bị can; xử lý hành chính 115 vụ, phạt 998.350.000 đồng. Tuy không xảy ra những vụ án lớn nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng trong tỉnh còn nhiều phức tạp, nhất là tham nhũng vặt. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý, xử lý chất thải nguy hại, nước thải công nghiệp; khai thác cát trái phép; vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng... cũng đã và đang diễn biến với nhiều hình thức tinh vi. Để ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ vi phạm về kinh tế và tham nhũng, ngoài vai trò nòng cốt của lực lượng cảnh sát kinh tế trong việc chủ động nắm bắt tình hình, phòng ngừa tội phạm, cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, đảm bảo đúng pháp luật...

Vì vậy, rất mong các ngành chức năng của tỉnh quan tâm đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực nhạy cảm, như đầu tư công, giao thông, đất đai, xây dựng, môi trường, an toàn thực phẩm, tài chính, thương mại... Các tin báo về tội phạm hay tố giác của công dân, cơ quan, tổ chức được tiếp nhận phải xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật. Các vụ việc ngay khi thanh tra có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển đến cơ quan điều tra xem xét việc khởi tố, điều tra theo quy định pháp luật... Đối với đối tượng phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, ngay từ giai đoạn điều tra phải áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản, tránh tẩu tán, bảo đảm việc thu hồi sau này.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109147

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu