Thứ 7, 27/04/2024 10:34:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 11:04, 05/09/2014 GMT+7

Quốc khánh năm ấy, Bác đã ra đi...

Thứ 6, 05/09/2014 | 11:04:00 186 lượt xem
BPO - Do hoàn cảnh lịch sử của đất nước đang trong thời chiến nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã công bố ngày Bác Hồ ra đi lùi lại một ngày. Nhưng ngày lễ Quốc khánh năm 1969 không thể phai mờ trong ký ức hàng triệu người dân đất Việt, trong đó có bà Mai Thị Lỵ ở thôn 5, xã Long Hưng (Bù Gia Mập).

Bà Mai Thị Lỵ (68 tuổi) là thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn những năm đánh Mỹ cứu nước. Nay bà đang yên vui tuổi già với con cháu, nhưng ký ức về những năm tháng ở Trường Sơn luôn sống dậy.

Dù đã 45 năm trôi qua nhưng bà Mai Thị Lỵ vẫn bồi hồi khi nhớ về ngày Quốc khánh năm 1969, ngày Bác Hồ ra đi...

Mỗi lúc rảnh rỗi, bà thường kể về những năm tháng cả nước sục sôi đánh Mỹ. Về những chiều mưa rừng xối xả, cả tiểu đội nữ thanh niên xung phong ôm nhau khóc vì nhớ nhà. Kể về ranh giới mong manh giữa những trận bom tọa độ và những giây phút bình yên của núi rừng, giữa sự sống và cái chết. Bà Lỵ bồi hồi kể lại, ngày cả nước lên đường đánh Mỹ, nếu ai chưa được gọi nhập ngũ, đi thanh niên xung phong thì viết đơn tình nguyện. Đơn không được duyệt thì đến xã đội trưởng, chủ tịch xã kỳ kèo xin đi. Những nam thanh niên cùng tuổi với bà ở trong làng trốn nhà theo bộ đội đi đánh Mỹ cũng không ít. Còn nữ thanh niên thì gia nhập lực lượng thanh niên xung phong đi tải lương, cõng đạn, san lấp hố bom. Nhớ nhất là những đêm liên hoan văn nghệ tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ. Lúc chia tay ai cũng thề hẹn hoàn thành sứ mệnh với non sông... tạm gác chuyện tình cảm riêng tư.

Nói về ngày Quốc khánh cách đây 45 năm, bà Lỵ kể: Năm ấy, đơn vị thanh niên xung phong của tôi đa số ở tuổi đôi mươi và lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Công việc hàng ngày là san lấp hố bom, mở đường ở vùng rừng núi miền Tây Quảng Bình để thông xe vào tiền tuyến. Những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9-1969, trời Quảng Bình mưa như trút nước. Trưa mùng 2-9, trời vẫn mưa tầm tã, bên bếp lửa bập bùng trong hang đá, cả đại đội nữ lắng nghe tin tức về chiến trường từ chiếc radio nhỏ. Sóng phát thanh trong vùng rừng núi rất yếu, dẫu có yên lặng thì cũng câu được câu mất. Bỗng có người không cầm được lòng mình khóc lên thành hai tiếng “Bác ơi”!. Ngay lúc đó, cả đại đội nữ chúng tôi cũng òa lên khóc. Một vài người thỏ thẻ nói trong tiếng nấc nghẹn “Đài báo tin, hôm nay Bác đã không dự buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh”, thế là chúng tôi lại nức nở khóc vì nghĩ rằng chắc Bác không được khỏe. Lãnh đạo đơn vị xuống kiểm tra tình hình, khuyên mọi người yên tâm vì sức khỏe của Bác đã có các bác sĩ giỏi chăm sóc. Mọi người nghe thì cứ nghe nhưng ai cũng nức nở. Chiều 2-9, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt thông báo về tình hình sức khỏe của Bác. Đêm hôm đó, đại đội chúng tôi thức gần như suốt đêm và ai cũng canh cánh lo cho sức khỏe của Bác. Đến ngày 3-9, tin buồn về Bác dồn dập đến, cả đại đội nữ chúng tôi gần như bỏ hết công việc thường ngày, kể cả bữa ăn, chỉ khóc thương Bác. Sau đó, đơn vị tổ chức lễ truy điệu Bác tại nơi làm việc và chúng tôi cũng đội khăn tang tiễn biệt Người”. 

Đã 45 năm trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ đi vào Thế giới người hiền, nhưng cứ đến ngày 2-9 hàng năm là bà Lỵ lại lau dọn lại bàn thờ, treo ảnh Bác và làm mấy món ăn đạm bạc thắp hương tưởng nhớ Người. Bà Lỵ nói: Thế hệ chúng tôi đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” là vì đã có Bác soi đường chỉ lối. Những đêm mưa như thác đổ, trong hang đá lạnh hay giữa cảnh rừng khuya, rồi những trận bom tọa độ kinh hoàng... cũng không thể lay chuyển được ý chí của những người con gái đi mở đường, ý chí của cả nước cùng nhau ra trận. Bác hun đúc tinh thần cho cả dân tộc biến đau thương thành hành động cách mạng tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.

                                   Tấn Phong

  • Từ khóa
90911

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu