Thứ 6, 29/03/2024 04:56:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 07:57, 01/09/2013 GMT+7

Quyền của trẻ em

Chủ nhật, 01/09/2013 | 07:57:00 207 lượt xem

Điều 40 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 65) là những quy định về quyền của trẻ em, với nội dung như sau: 1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. 2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Theo tôi quy định như trên là không đầy đủ, không phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ em - tương lai của đất nước. Mà các em cần được gia đình, nhà trường, xã hội và nhà nước đặc biệt quan tâm chăm sóc trên mọi y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí… Vì vậy, ở khoản 1 của điều này tôi đề xuất cần được bổ sung nội dung sau: Trẻ em có quyền được chăm sóc y tế, giáo dục, dinh dưỡng; được vui chơi giải trí và tập luyện thể dục, thể thao.

Vì ở bất cứ quốc gia nào thì đây cũng là vấn đề vô cùng quan trọng đối với thế hệ trẻ, nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn lực xây dựng đất nước trong tương lai. Nếu trẻ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ mà không được chăm sóc y tế, không có đủ dinh dưỡng và thậm chí là không đúng khẩu phần thì sẽ phát triển không tốt và sau khi sinh ra sẽ còi cọc. Nhưng nếu những đứa trẻ bị thừa dinh dưỡng và nuôi không đúng khẩu phần cũng lại sinh béo phì. Do đó, điều 40 sau khi đã được sửa đổi, bổ sung thì sẽ được viết lại như sau: 1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc y tế, giáo dục, dinh dưỡng; dinh dưỡng; được vui chơi giải trí và tập luyện thể dục, thể thao. 2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Điều 54 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25) có quy định như sau: 1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Theo tôi, quy định như trên là chưa đầy đủ và tuy đã thể hiện rõ bản chất của nền kinh tế ở nước ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng chưa khẳng định vai trò chủ đạo trong nên kinh tế là thành phần nào. Thực tế trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, bất cứ một chế độ nào cũng đều phải dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở kinh tế để tồn tại và phát triển và quốc gia đó có công khai thừa nhận trong Hiến pháp của họ hay không mà thôi. Vì vậy, trong Hiến pháp chúng ta đã công khai thừa nhận bản chất của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, thì cũng cần công khai rõ là nền kinh tế lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Hơn nữa, nếu kinh tế nhà nước không nắm giữa vai trò chủ đạo thì sẽ rất khó điều hành, khó quản lý và khó điều tiết từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.

Điều 58 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung Điều 18) có 3 khoản, trong đó ở Khoản 3 có nội dung như sau: 3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Với quy định như trên, tôi không tán thành nội dung quy định nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế xã hội và được xếp cùng chung mục đích là phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Và lý do mà tôi không đồng thuận là vì 4 yếu tố sau.

Thứ nhất, về mục tiêu yêu cầu của các dự án phát triển kinh tế xã hội không hoàn toàn đồng nhất với các mục tiêu, yêu cầu về quốc phòng và an ninh quốc gia. Thứ hai là các chủ thể tham gia vào việc thu hồi đất hoàn toàn không bình đẳng về quyền lợi cũng như những quy định của pháp luật… từ việc thu hồi đất. Nhất là đối với trường hợp thu hồi đất của người sản xuất rồi lại giao cho người khác sản xuất kinh doanh. Thứ ba là nội hàm của khái niệm về các dự án kinh tế, xã hội rất rộng, khó kiểm soát và dễ bị lợi dụng, dễ mang lại lợi ích nhóm. Thứ tư, đất đai không chỉ là tài sản thông thường mà còn là tư liệu sản xuất, nguồn sống chính của người nông dân. Đất ở gắn với nhà cửa nơi cư trú sinh sống hàng ngày của người dân. Vì vậy cho nên khi Nhà nước thu hồi đất có tác động rất lớn đối với đời sống cả về vật chất và tinh thần của nhiều người dân, nên chúng ta phải rất cẩn trọng cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng hơn.

Từ quan điểm trên, tôi đề nghị việc thu hồi đất để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội phải áp dụng hình thức trưng mua trên cơ sở đồng thuận của người sử dụng đất. Đồng thời, tôi đề nghị chuyển nội dung này cho Luật Đất đai quy định, không nên Hiến định vấn đề này ở trong Hiến pháp.

Quang Minh

  • Từ khóa
108248

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu