Thứ 6, 29/03/2024 13:51:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:52, 11/02/2016 GMT+7

Ngày xuân thăm cựu tù Phú Quốc

Thứ 5, 11/02/2016 | 08:52:00 1,821 lượt xem

BP - Chiều cuối năm Ất Mùi, nhà nhà đã chuẩn bị tươm tất mâm cơm cúng tất niên. Trẻ em đây đó đã xúng xính trong bộ áo mới và hớn hở khoe những món đồ chơi mua được ở phiên chợ cuối năm. Đường về Minh Hưng (Bù Đăng) như thênh thang hẳn vì suốt tuyến chỉ còn vài chuyến xe tải muộn hối hả trả hàng. Từ UBND xã Minh Hưng đến ấp 1, không khí ngày tết đã tưng bừng khắp ngõ xóm bởi nhà nhà treo cờ Tổ quốc, trồng cây nêu và í ới gọi nhau mổ chung con heo đón mừng xuân mới. Hương vị ngày tết hòa quyện vào hương hoa cà phê thơm ngát cả một vùng như báo hiệu mùa xuân đã về. Dù tuổi cao nhưng ông Nguyễn Như Hải vẫn phụ con cháu trang trí nhà cửa, quét dọn vườn tược, thấy khách đến ông niềm nở mời chào...

CUỘC ĐỜI ĐẸP NHẤT LÀ TRÊN TRẬN TUYẾN
ĐÁNH QUÂN THÙ

Bên tách trà mừng xuân mới, ông Hải hồi tưởng về một thời trai trẻ của mình. Dù đã thôi đường binh nghiệp nhưng khí chất người lính trong ông vẫn còn in đậm qua giọng nói sang sảng, kể chuyện dứt khoát, mạch lạc và đặc biệt là trong nếp sinh hoạt hằng ngày như một người lính thực thụ. Ông Hải cho hay, đã lâu không gặp bạn tri kỷ để ôn lại một thời bom đạn. Dù các ông đang sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh xã Minh Hưng nhưng mỗi người có một hoàn cảnh, đơn vị khác nhau nên chỉ có tinh thần người lính là tương đồng.

Những lúc rảnh rỗi, ông Hải ra vườn chăm sóc cà phêNhững lúc rảnh rỗi, ông Hải ra vườn chăm sóc cà phê

Ông Hải sinh năm 1942 tại xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Những năm 60 của thế kỷ trước, thanh niên cả nước hăng hái lên đường vào miền Nam đánh Mỹ. Nhìn các anh lên đường, lòng chàng trai trẻ cũng rạo rực muốn tiếp bước cha anh nên làm đơn tình nguyện nhưng mãi đến năm  1963 ông Hải mới được nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tại Hà Tĩnh, ông được bổ sung vào đơn vị bộ binh thuộc D5, Trung đoàn 5, Quân khu 5 với nhiệm vụ là chiến sĩ thông tin. Sau khi biên chế vào đơn vị, ông được lệnh hành quân sang Lào đánh địch. Năm 1964, đơn vị ông chuyển về bảo vệ vùng biển Cửa Lò (Nghệ An) chống biệt kích và người nhái hải quân Mỹ xâm nhập phá hoại miền Bắc. Đến tháng 10-1964 thì hành quân thần tốc vào Tây Nguyên. “Nói là thần tốc nhưng phải đi bộ mất hơn 2 tháng mới vào được Kon Tum. Bởi lúc đó ngày nghỉ đêm đi, nhiều đêm bị phục kích, bị thả bom bi tọa độ, bị sốt rét rừng quật ngã” - ông Hải kể về chặng đường hành quân đầy gian khó.

Đặt chân vào Bắc Tây Nguyên cũng là thời điểm phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh. Chiến trường Tây Nguyên lúc này hết sức ác liệt, Mỹ - ngụy lập các căn cứ, vành đai trắng ở vùng Đắk Tô - Tân Cảnh nhằm khống chế tuyến hành lang vận tải và đường hành quân của ta. Do vậy, khi đơn vị ông Hải vừa đặt chân đến Bắc Tây Nguyên đã đụng độ với nhiều toán quân tinh nhuệ của địch. Trong các trận đánh, ông Hải không chỉ là người lính thông tin mà còn trực tiếp cầm súng đánh địch gây cho chúng nhiều tổn thất lớn.

ĐƯỢC LÀM LỄ TRUY ĐIỆU

Ông Hải kể: “Khi tôi khoác ba lô về làng thì Huyện đội đã làm lễ truy điệu cho tôi được 2 năm theo giấy báo tử. Gia đình tôi thấy con về thì đứng khựng hồi lâu mới thốt nên lời, hàng xóm kéo đến đông vui như mở hội”.

Lần theo ký ức ông Hải kể tiếp, trước tết Mậu Thân năm 1968, đơn vị ông được lệnh về vùng đồng bằng Tuy Hòa (Phú Yên) trước lễ giao thừa. Khi về đến địa điểm tập kết, đơn vị được lệnh nổ súng đánh chiếm thị xã Tuy Hòa ngay thời khắc đón năm mới. Quân ta tấn công như vũ bão vào các đơn vị, chốt chặn của địch. Nhân dân Tuy Hòa góp sức cùng bộ đội làm chủ thị xã chỉ sau vài giờ tiến công. Thế nhưng, khi trời hửng sáng, địch đổ bộ bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ bao vây thị xã Tuy Hòa. Đến lần tấn công thứ hai vào ngày mồng 4 tết, giặc mới tái chiếm được thị xã Tuy Hòa vì quân ta hết đạn. Ông Hải bị giặc bắt khi hai chân bị thương nặng không thể đi được. Sau khi bị bắt, địch dẫn giải ông đi hết nhà lao này đến nhà tù khác để tra tấn lấy thông tin. Ông Hải chỉ khai mình là lính quân nuôi không biết gì hết ngoài việc nấu cơm cho bộ đội. Không khai thác được thông tin, tháng 10-1968, chúng đưa ông đến giam tại nhà tù Phú Quốc với hy vọng “địa ngục trần gian” này sẽ trấn áp được nghĩa khí của người lính Cụ Hồ.

Đơn vị của ông cũng cử người đi tìm một thời gian dài nhưng không có tung tích nên làm giấy báo tử, với thông tin ông hy sinh ngày 21-12-1971 gửi về cho gia đình. Sau khi có giấy báo tử, xã Nam Hưng và Huyện đội Nam Sách đã cùng gia đình làm lễ truy điệu cho ông.

KHÍ PHÁCH HIÊN NGANG CỦA NGƯỜI LÍNH

Dù đã vào tuổi thất thập nhưng ông Hải vẫn rất minh mẫn kể cho tôi nghe câu chuyện chiến đấu của mình.

Biết ông Hải kể chuyện đánh giặc, các cháu của ông tạm gác công việc để ngồi nghe những điều mà chúng chỉ thấy trên phim ảnh. Ông Hải nói: “Anh hỏi tôi mới kể chứ tôi cũng muốn kể để giáo dục truyền thống cho con cháu nhưng sợ chúng cho mình lẩm cẩm nên thôi”. Bà Nguyễn Thị Men nói chen vào: “Giờ có khách ông ấy mới kể chứ từ ngày tôi làm vợ ông ấy chỉ thấy ông ghi ghi chép chép chứ có kể chuyện gì đâu”. Ông Hải nói tiếp: “Bọn cai ngục dùng đòn roi hết sức tàn bạo và các phương thức tra tấn hiện đại nhất vẫn không khuất phục được ý chí của người lính. Đêm đêm, chi bộ vẫn sinh hoạt bí mật nhưng không ai biết ai, vẫn bàn bạc trao đổi phương thức đấu tranh đòi cấm đánh đập người tù, cải thiện bữa ăn một cách bài bản. Chúng cho lính rình mò cũng không phát hiện ai đứng đầu. Chúng tôi vẫn hát Quốc ca, vẫn sinh hoạt đảng, nắm bắt thông tin chiến sự và nhà giam thực sự trở thành trường học chính trị lớn”.

Ông Hải nhớ lại: “Khi nghe tin Bác Hồ kính yêu qua đời, địch tập trung hàng ngàn tù nhân tại bãi đất trống và thông báo: Bác Hồ của chúng mày mất rồi, không giải phóng miền Nam được đâu. Chúng mày về với chính nghĩa quốc gia thì được sống, còn chống lại là chết tại đây. Không ai bảo ai, hàng ngàn tù nhân hô vang khẩu hiệu đòi thống nhất nước nhà nên chúng cho lính ra xua đuổi chúng tôi về buồng giam”.

HẠNH PHÚC MUỘN

Ông Hải được trao trả tù binh chiến tranh bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) vào tháng 3-1973. Sau đó, ông được cấp trên cho ra Tuyên Quang an dưỡng và học chính trị tại Trường Quân chính Quân khu 3 để đào tạo nguồn cho quân đội. Sau gần 2 năm học tập và an dưỡng, ông Hải được điều về công tác tại Ban Chính sách, Huyện đội Nam Sách từ năm 1974-1981 thì nghỉ hưu do vết thương cũ tái phát.

Sau khi về công tác tại huyện nhà, ông lập gia đình với cô thôn nữ Nguyễn Thị Men - người đã từng khóc cạn nước mắt trong lễ truy điệu của ông năm trước. Vợ chồng ông sinh được 4 người con. Sau khi nghỉ hưu, ông còn tham gia công tác xã hội tại địa phương như Bí thư chi bộ của đội sản xuất nông nghiệp gần 20 năm. Năm 2004, anh Nguyễn Như Hiển, con trai đầu của ông về quê đưa cha mẹ vào Bình Phước để có điều kiện phụng dưỡng. Anh Hiển là Trưởng công an xã Minh Hưng. Những ngày lễ, tết, gia đình ông luôn đón tiếp nhiều đoàn khách từ tỉnh, huyện và xã đến thăm nhưng điều ông ao ước là trở lại thăm Phú Quốc ông Hải cho biết: “Trên truyền hình nói Phú Quốc thành đặc khu kinh tế, tôi rất mừng và mong được đến tham quan một lần”.

Chia tay ông trong buổi chiều xuân nắng nhạt, Minh Hưng đang chuẩn bị giao mùa, mong cho ông Hải sang năm mới thực hiện được ước nguyện của mình. Xuân mới 2016 cũng là năm ông Hải tròn 50 tuổi đảng, hy vọng sẽ có nhà hảo tâm hay doanh nghiệp nào đó tổ chức cho các cựu tù Phú Quốc thăm lại chiến trường xưa, trong đó có ông thì hay biết mấy!

Tấn Phong

  • Từ khóa
14980

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu