Thứ 6, 19/04/2024 20:37:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:50, 15/04/2014 GMT+7

Quyền được yêu cầu giải trình

Thứ 3, 15/04/2014 | 15:50:00 133 lượt xem

Ngày 8-8-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thực thi nghị định này, Thanh tra Chính phủ vừa công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP. Và với những quy định trong dự thảo thông tư này, vị trí của người dân được đặt “ngang hàng”, thậm chí “cao hơn” cơ quan nhà nước. Qua đó, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tối đa, phù hợp với tinh thần, nội dung Hiến pháp.

Cụ thể, tại Điều I của dự thảo thông tư nêu rõ: Thông tư này hướng dẫn một số quy định về đối tượng áp dụng; nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết; trường hợp nhiều người yêu cầu giải trình về cùng một nội dung; việc thu thập, xác minh và tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu; việc công khai văn bản giải trình; việc lập, quản lý hồ sơ giải trình và thanh - kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình; cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế; các tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; công dân Việt Nam, người nước ngoài sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam có yêu cầu giải trình. Như vậy, với quy định trên không chỉ có cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, công dân mà người nước ngoài đang sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam cũng có quyền được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải trình về những liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong nội dung dự thảo thông tư cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải trình. Trường hợp nhiều người yêu cầu giải trình bằng văn bản thì trong văn bản yêu cầu phải ghi rõ nội dung cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải trình. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải trình thuộc thẩm quyền, người giải trình phải tiếp nhận và thực hiện việc giải trình. Việc tiếp nhận giải trình phải thông báo cho người yêu cầu giải trình. Đồng thời, khi cần thiết, người giải trình tự mình hoặc giao cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình thu thập, xác minh các thông tin liên quan đến yêu cầu giải trình. Khi hết thời hạn xác minh, cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ thu thập phải báo cáo kết quả bằng văn bản với người giải trình.

Để đảm bảo cho việc giải trình được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng pháp luật, dự thảo thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan nhà nước cấp trên đối với công tác thanh -kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp dưới. Cụ thể, theo quy định tại Điều 14 của dự thảo: Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ thanh - kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...

Việc trao cho người dân có quyền phản biện, quyền được yêu cầu giải trình là một bước tiến về phát huy quyền dân chủ. Tuy nhiên, nếu chỉ có giải trình mà không có kết luận, không giải quyết thỏa đáng thì người dân sẽ chán, không muốn nghe. Do đó, cần có cơ chế quy định về trách nhiệm và xử lý sai phạm triệt để thì việc giải trình mới thực sự mang lại hiệu quả.  

N.M

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu