Thứ 4, 17/04/2024 06:34:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:13, 23/01/2015 GMT+7

Quyền giám sát tối cao

Thứ 6, 23/01/2015 | 07:13:00 124 lượt xem

BP - Theo dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa công bố, Quốc hội có nhiệm vụ giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng; các thành viên khác của Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập... và các nghị quyết của HĐND tỉnh, giám sát việc trưng cầu ý dân.

Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giám sát việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giám sát văn bản pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng... thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban phụ trách.

Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát của đoàn và tổ chức để đại biểu Quốc hội trong đoàn giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương; văn bản pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tham gia và phối hợp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương.

Theo suy nghĩ của cá nhân, tôi hoàn toàn đồng ý với quy định trên trong dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất ở Việt Nam. Do đó, chỉ Quốc hội mới có nhiệm vụ giám sát tối cao. Tuy nhiên, tôi đề nghị trong dự thảo luật cần làm rõ về những nội dung sau: Đối tượng, phạm vi, hiệu lực, tính chất tối cao trong giám sát như thế nào và nhiệm vụ giám sát này có bao gồm giám sát hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước hay không? Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả của giám sát tối cao đi vào thực chất, tôi đề nghị dự thảo cần bổ sung việc quy trách nhiệm và chế tài đối với đối tượng chịu giám sát cũng như hậu quả pháp lý nếu đối tượng này thực hiện không đúng.

Lý do để tôi đưa ra lập ý kiến trên là trong thực tế ở nước ta hiện nay cho thấy, hiệu lực và hiệu quả từ công tác giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp không bằng việc thanh, kiểm tra. Nguyên nhân là do nhiều vấn đề, nội dung chỉ khi ngành thanh, kiểm tra vào cuộc thì mới có kết quả chính xác và được xử lý. Vì thanh, kiểm tra, kiểm toán là những cơ quan có nghiệp vụ chuyên môn sâu, trong khi đó việc giám sát của Quốc hội, HĐND phần lớn mang tính kiểm tra hành chính, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật và không có chức năng xử lý.

Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị ban soạn thảo dự luật này cần bổ sung nội dung để làm rõ việc kết quả giám sát tối cao được công khai minh bạch trước cử tri cả nước theo cơ chế như thế nào? Thứ hai là hiệu lực của giám sát tối cao có gì khác so với việc giám sát bình thường và việc giám sát của HĐND các cấp… cũng có một điều riêng biệt thể hiện việc này... Có quy định cụ thể như vậy thì hiệu quả của việc giám sát tối cao cũng như giám sát của HĐND các cấp mới thực sự mang lại hiệu quả.

Thanh Hải

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu