Thứ 6, 29/03/2024 09:13:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:18, 25/04/2015 GMT+7

Quyền, nghĩa vụ của người có đạo được mở rộng

Thứ 7, 25/04/2015 | 14:18:00 109 lượt xem

BP - Ngày 29-6-2004, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký lệnh ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Sau gần 11 năm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, nhiều quy định trong pháp lệnh không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo để thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo 2004. Theo đó, trong dự thảo luật này quy định cụ thể hơn nhiều nội dung về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo...

Cụ thể, về quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tôn giáo được quy định như sau: Người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo là công dân Việt Nam được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân. Người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; không cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và tuân thủ pháp luật. Người đang bị giam, giữ được đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân theo quy định pháp luật và nội quy nơi giam, giữ. Người đã chấp hành xong án phạt tù hoặc quản chế theo quy định của pháp luật được chủ trì lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, giảng đạo và quản lý tổ chức tôn giáo sau khi được tổ chức tôn giáo đăng ký và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dự thảo luật cũng quy định cụ thể, rõ ràng về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo: Phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Ép buộc người khác theo hoặc từ bỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, niềm tin của tín đồ các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Cản trở tổ chức, cá nhân tham gia hoặc thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp. Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để:

Kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh nhằm phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo. Xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Xúc phạm đến hình ảnh danh nhân, anh hùng dân tộc. Trục lợi vì lợi ích cá nhân. Đồng thời, dự thảo cũng nghiêm cấm người chủ trì lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, giảng đạo, quản lý tổ chức tôn giáo và chủ trì lễ hội tín ngưỡng khi đang chấp hành án phạt tù hoặc đang bị quản chế theo quy định của pháp luật. Sử dụng cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo vào các hoạt động trái pháp luật.

Đặc biệt, trong dự thảo luật đã nêu rõ, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo có quyền tự do bày tỏ niềm tin; hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp; tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của  tín ngưỡng, tôn giáo.

Như vậy, ngoài việc mở rộng quyền, nghĩa vụ của người có đạo, dự thảo luật một lần nữa đã khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy... và bảo đảm các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.                                                                                             

N.V

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu