Thứ 5, 28/03/2024 23:48:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:19, 16/03/2017 GMT+7

Quyết tâm trước doanh nghiệp và nhân dân

Thứ 5, 16/03/2017 | 14:19:00 90 lượt xem
BP - Hôm qua 14-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)) năm 2016.

Đáng buồn là năm nay Bình Phước không những tiếp tục tụt bậc từ 54 xuống 57 trên tổng số 63 tỉnh, thành trong cả nước, mà điểm trung vị (điểm trung bình của các chỉ số thành phần) cũng giảm từ 58,47 xuống còn 56,21. Bình Phước là tỉnh xếp cuối cùng trong nhóm 6 tỉnh xếp hạng “trung bình” và xếp ngay trên tỉnh Sơn La với 55,49 điểm - thuộc nhóm “tương đối thấp”. Đây là năm Bình Phước có chỉ số PCI “thấp nhất từ trước tới nay” - tương tự như một năm trước, tháng 3-2016, xếp hạng PCI năm 2015 PCI của Bình Phước cũng thấp nhất so với những năm trước đó.

Kết quả xếp hạng PCI năm 2016 cho thấy mặc dù từ lãnh đạo cao nhất đến cấp sở, ngành, huyện, thị đã có những nỗ lực nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh, nhưng như thế là chưa đủ và chưa có đột phá, chưa đem lại hiệu quả cao. Cần phải nói thêm rằng, PCI được xây dựng trên cơ sở đánh giá của các doanh nghiệp. Do vậy, chỉ số này phản ánh một cách khách quan và trung thực về môi trường đầu tư và kinh doanh của địa phương. PCI cũng phản ánh, các điểm mạnh, điểm yếu của chính quyền trong điều hành kinh tế và làm doanh nghiệp hài lòng. Các chỉ số thành phần PCI của Bình Phước năm nay tiếp tục cho thấy có nhiều vấn đề cần nhìn thẳng vào sự thật để mổ xẻ giải quyết, như: chỉ số thiết chế pháp lý chỉ đạt 4,61 điểm, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành; chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp đạt 4,2 điểm, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành; chỉ số tính năng động của lãnh đạo và chính quyền đạt 4,5 điểm, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành...

Sau nhiều năm triển khai, PCI đã được chấp nhận như một thực tế khách quan. Các tỉnh, thành cùng hoạt động trong một môi trường thể chế như nhau, nếu có thứ hạng thấp thì bộ máy chính quyền địa phương đó chưa đáp ứng được mong đợi của doanh nghiệp và bị đánh giá thấp. Vì thế, PCI đã và đang được xem là công cụ định hướng cho các tỉnh để nhận thấy điểm yếu của mình, từ đó thực hiện các điều chỉnh cần thiết.

Ví dụ như thành phố Đà Nẵng thực hiện đối thoại đa chiều với các doanh nghiệp và người dân nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi. Phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp ở Đà Nẵng được ghi nhận bằng nhiều cách như đối thoại thường xuyên và trực tiếp; lãnh đạo các cấp của Đà Nẵng cũng công khai địa chỉ thư điện tử, các trang mạng xã hội. Nhờ đó, hầu hết vướng mắc của doanh nghiệp đều được xử lý và kết quả công bố PCI hôm qua cho thấy đó là sự thành công của Đà Nẵng khi lần thứ 4 liên tiếp xếp số 1 cả nước với điểm trung vị 70,00 điểm, hơn địa phương xếp thứ hai là Quảng Ninh tới 4,4 điểm và có 7/12 lần dẫn đầu cả nước.

Một thực tế không thể phủ nhận rằng PCI đã đúng như tên gọi của nó, trở thành tấm gương phản chiếu về “chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam”, về môi trường đầu tư và kinh doanh của từng địa phương. PCI đã tạo ra một công cụ hữu ích cho cả chính quyền và doanh nghiệp để không ngừng hoàn thiện mình. Cho dù có như thế nào, Bình Phước cũng phải dũng cảm thẳng thắn nhìn nhận vào kết quả xếp hạng ấy, để rồi phân tích kỹ lưỡng, tìm ra giải pháp và quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trước không chỉ doanh nghiệp trong tỉnh, mà còn với cả các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư quốc tế và trước nhân dân.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu