Thứ 5, 25/04/2024 02:13:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:00, 25/12/2018 GMT+7

Quýt đường lại mất mùa, rớt giá

Thứ 3, 25/12/2018 | 07:00:00 316 lượt xem
BP - Quýt đường là cây trồng có giá trị kinh tế cao và từng được xem là lời giải cho bài toán chuyển đổi từ hồ tiêu sang trồng cây ăn trái của huyện Bù Đốp. Trong đó, xã Thanh Hòa được xem là thủ phủ với gần 100 ha quýt đường. Tuy nhiên, hiện vào mùa thu hoạch chính vụ nhưng hàng loạt vườn quýt đang bị rụng trái, trong khi giá ngày càng giảm khiến người trồng không khỏi lo lắng.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quýt hơn 800 cây vừa phải đốn hạ, ông Dương Minh Khoa, ngụ ấp 9, xã Thanh Hòa không khỏi xót xa. Ông Khoa cho biết: “Thời gian trước, giá quýt liên tục tăng, có thời điểm gần 20 ngàn đồng/kg và thương lái tới tận vườn thu mua. 1 ha quýt sau khi trừ chi phí cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng”. Từ đó, ông Khoa mạnh dạn vay hơn 300 triệu đồng để đầu tư trồng quýt. Vụ đầu tiên, gia đình ông thu gần 20 tấn quýt. Đến vụ thứ 2 thì vườn quýt có hiện tượng vàng lá và rụng trái hàng loạt không rõ nguyên nhân. Trong khi đó, giá quýt mua tại vườn chỉ dao động 5-10 ngàn đồng/kg dẫn đến thu không đủ chi, thậm chí lỗ nặng, buộc gia đình phải chặt bỏ. Chỉ vào gốc quýt vừa chặt bỏ, ông Khoa cho biết thêm: “Kinh tế gia đình chỉ trông cậy vào vườn quýt, do sâu bệnh hại quá buộc phải phá bỏ. Giờ không biết trồng thay thế cây gì cho phù hợp, vốn cũng hết. Mong chính quyền và ngành chức năng có biện pháp giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Ông Dương Minh Khoa, ngụ ấp 9, xã Thanh Hòa (Bù Đốp) xót xa khi phải cưa vườn quýt 800 cây để thay thế bằng cây trồng khác

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Hải từng khá lên nhờ trồng quýt đường. Chỉ có 500 cây nhưng năm 2016, gia đình ông Hải thu trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhưng từ đó đến nay, bệnh vàng cuống, rệp xám, nấm hồng... trên cây quýt phát triển mạnh làm rụng trái hàng loạt, thân và cành cũng khô héo không thể cứu vãn khiến gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần. Ông Hải buồn rầu: “Thấy địa hình khu vực xã Thanh Hòa khá thấp, gần nguồn nước phù hợp trồng cây ăn trái, đồng thời nhiều người dân trong vùng trồng quýt khá hiệu quả nên gia đình tôi cũng mạnh dạn trồng. Giờ mới vỡ lẽ cây có múi nói chung và cây quýt nói riêng trồng trên đất gần nguồn nước đòi hỏi kỹ thuật cao. Cũng bởi chạy theo thị trường nên gia đình tôi rơi vào cảnh trắng tay”.

Quýt là loại cây trồng đòi hỏi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rất lớn. Trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng. Theo người dân nơi đây, để chăm sóc 1 ha quýt, mỗi năm nhà nông phải đầu tư gần 100 triệu đồng. Từ khi trồng đến thu hoạch mất hơn 3 năm, giá quýt ở mức 15 ngàn đồng/kg trở lên thì người trồng mới có lãi. Trồng quýt đã khó nhưng đầu ra của sản phẩm còn khó hơn.

Theo phản ánh của các hộ trồng quýt tại xã Thanh Hòa, để dập dịch bệnh hại cây quýt, đã có nhiều đoàn cán bộ, kỹ sư ngành nông nghiệp đến tìm hiểu, đồng thời cùng người dân tìm giải pháp tạo đầu ra cho trái quýt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa khắc phục được bệnh triệt để.

Ông Trần Quốc Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hòa cho biết: “Trước thực trạng quýt mất mùa, mất giá như hiện nay, Hội Nông dân xã tích cực cùng ngành nông nghiệp huyện tới địa bàn khảo sát, tìm hướng tháo gỡ cho nhà nông về khoa học - kỹ thuật. Mặt khác, liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tìm cách khoanh, giãn nợ. Hội cũng phối hợp các hợp tác xã cây ăn trái trên địa bàn tìm đầu ra cho quýt nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Giải pháp tốt nhất, mang tính lâu dài là tìm được đầu ra ổn định cho loại trái cây này, giúp nông dân yên tâm sản xuất”.

Từ cây quýt đường ở Thanh Hòa cho thấy, tình trạng được mùa - mất giá, thậm chí mất mùa - mất giá, trồng - chặt, chặt - trồng của nhiều loại cây lặp đi lặp lại trong thời gian qua đang là bài toán khó giải của ngành nông nghiệp. Để giải được bài toán này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, thực sự có trách nhiệm của Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và mỗi nhà nông.

Đức Trung

  • Từ khóa
43695

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu