Thứ 6, 19/04/2024 12:42:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:20, 15/11/2019 GMT+7

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Rà soát để tránh tình trạng luật này mở, luật kia buộc

Thứ 6, 15/11/2019 | 17:20:00 160 lượt xem
BPO - Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh nâng tầm lên doanh nghiệp; rà soát lại quy định trong các luật liên quan để có sự thống nhất, tránh tình trạng luật này mở, luật kia buộc… Đó là các ý kiến của Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang và đại biểu Tôn Ngọc Hạnh tại phiên thảo luận tổ ngày 15-11 về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Đối với Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị cần quy định chặt chẽ quy trình thủ tục, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án đầu tư tại vùng sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn, các xã biên giới nhằm đảm bảo ổn định an ninh chính trị. Đồng thời cần có khoản quy định chính sách khuyến khích các nhà đầu tư vào vùng DTTS khó khăn; bổ sung doanh nghiệp xã hội vào đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư tại Điều 16.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước thảo luận tại tổ

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng chỉ ra các quy định trong Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường có sự vênh nhau, do vậy, cần phải rà soát tất cả các luật hiện hành để tránh tình trạng luật này mở, luật kia buộc.

Cụ thể là trong Luật Đầu tư (sửa đổi) không quy định thành phần hồ sơ khi quyết định chủ trương đầu tư là phải có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, nhưng Điều 25, Luật Bảo vệ môi trường quy định: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư… Quy định trong luật như vậy không phù hợp với thực tiễn, vì khi chưa được phê duyệt thì không có cơ sở để bỏ kinh phí làm đánh giá tác động môi trường, điều này tốn kém thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Trước việc ban soạn thảo bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, dịch vụ này đang rất phức tạp và hoạt động gây phản cảm trong xã hội, thậm chí coi thường chính quyền và cơ quan chức năng nhưng lại chưa có quy định rõ ràng để quản lý. Cần xem xét thêm, vì hiện nay việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Do đó, ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng nội dung này, để cấm một vấn đề, nội dung mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, đòi hỏi xã hội cần có thì khi cấm phải có đánh giá tác động và cung cấp thêm thông tin cho đại biểu xem xét tạo đồng thuận trong cao xã hội, tránh dư luận cho rằng những gì không quản lý được là cấm.

Về quy định hộ kinh doanh gia đình trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng nước ta có số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ rất lớn, hộ kinh doanh gia đình cũng rất nhiều, vì vậy nên có quy định chính sách riêng về hộ kinh doanh gia đình để phát huy nhóm này đóng góp cho địa phương cũng như tổng thể quốc gia.

Trần Thể

  • Từ khóa
31295

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu