Thứ 5, 25/04/2024 13:58:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:53, 31/05/2019 GMT+7

Rác sau mưa

Thứ 6, 31/05/2019 | 08:53:00 237 lượt xem
BP - Ngập ngụa, mất mỹ quan đô thị, đó là những gì chúng tôi thấy về rác trên nhiều tuyến đường ở thành phố Đồng Xoài trong đêm, sau những cơn mưa lớn.

Sau cơn mưa, các tuyến đường Nguyễn Chánh, Nguyễn Bình (phường Tân Phú), Hùng Vương (phường Tân Bình), QL14... có nhiều rác thải sinh hoạt, rác kinh doanh đủ loại. Chúng xô nhau từ vỉa hè xuống rãnh nước và tràn ra đường, tạo nên những đường phố hỗn độn rác. Thậm chí rác tràn lên cả trên những con đường có địa thế cao.

Mỗi đêm, các chị lao công phải quét, thu, đổ trung bình 7 xe rác

Chị N.T.T.T, lao công quét dọn đường Nguyễn Bình, lý giải mặt đường đầy rác sau mỗi cơn mưa lớn là do một số hộ có thói quen đổ trực tiếp rác xuống lòng đường hoặc đặt vào miệng cống. Nghĩ cách làm này giữ được hành lang trước nhà sạch sẽ nhưng khi trời mưa to, nước chảy từ phía cao xuôi về cống đẩy theo không ít rác. Điều này khiến miệng cống tắc cứng vì rác, kéo theo hệ lụy nước mưa chậm thoát. Khi xe chạy qua từng đoạn đường này tạo sóng lại đẩy rác từ các miệng cống, hai bên lề đường bung ngược ra khắp nơi, làm cho mặt đường tràn lan rác. Rác ngấm nước mưa thêm nặng, rác tràn khắp nơi khiến công việc của những lao công gần như tăng gấp đôi. Ái ngại nhất là từng đám lớn các loại rác li ti dính bết mặt đường, mất rất nhiều thời gian quét, hốt.

Một lao công phụ trách dọn trên đường Hùng Vương cho biết: “Ngày không mưa, chị đi làm từ 19 giờ và sau 5 tiếng đồng hồ sẽ xong. Ngày mưa, nhất là mưa từ cuối chiều tới tối (sau thời gian các gia đình gom rác ra đường) phải kéo thêm 2-3 tiếng đồng hồ mới hoàn thành. Công việc nặng nhọc, đường dốc, hai bên đường có nhiều cửa hàng ăn uống nên chị chia đoạn theo đường xương cá để quét dọn”. Chị T chia sẻ: “Tôi quét dọn đường Nguyễn Bình, Nguyễn Chánh và các tuyến xương cá nối giữa hai đường. Ngày thường mất 5 tiếng đồng hồ, ngày mưa có chồng phụ”.

Mỗi sớm ra khỏi nhà, đường phố sạch sẽ, thoáng đãng, ít ai biết công việc của người lao công hằng đêm, sau những cơn mưa lớn phải trải qua rất nhiều “cảm xúc”. Để bảo vệ môi trường, tất cả chúng ta hãy gói rác trong bọc để vào hộp xốp, thùng nhựa, thay vì đặt (đổ) xuống đường, miệng cống thoát nước (đặc biệt đối với các nhà hàng, quán ăn...). Với những việc làm nhỏ như vậy sẽ giúp lao công đỡ vất vả.

Cẩm Thơ

  • Từ khóa
62297

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu