Thứ 7, 20/04/2024 21:26:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:56, 10/08/2015 GMT+7

Rất cần phản biện xã hội!

Thứ 2, 10/08/2015 | 09:56:00 137 lượt xem
BP - Tuần qua, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận là việc Bộ Tài chính áp dụng mức thuế 5% đối với mặt hàng sắn lát (mì lát) xuất khẩu và chính thức áp dụng từ ngày 20-6. Quyết định vừa được ban hành đã có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này “kêu cứu”. Bởi nếu áp thuế 5%, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ lỗ hàng chục tỷ đồng.

Một số chủ doanh nghiệp cho rằng, căn cứ mà Bộ Tài chính nêu ra để tăng thuế là không xác đáng. Thứ nhất, Bộ Tài chính chưa tính đến các loại chi phí như: lãi ngân hàng, kho bảo quản, tỷ lệ hao hụt 10-15%, rồi chi phí khử trùng, giám định, các loại phí xuất khẩu... Thứ hai, về lý thuyết, thuế xuất khẩu đánh vào người nông dân chứ không phải vào doanh nghiệp. Vấn đề là cần đưa ra mức thuế hợp lý và theo lộ trình nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mua mì của nông dân theo giá thị trường; đồng thời có ưu đãi giúp doanh nghiệp đầu tư vào chế biến chứ không nên chỉ tính một chiều như thế. Điều chắc chắn là thuế suất tăng sẽ tác động trực tiếp tới đời sống người nông dân theo hướng xấu đi. 

Ngay sau khi nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp và qua thông tin báo chí về những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã nhanh chóng báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng việc thực hiện Thông tư số 63/2015/TT-BTC để tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp và người nông dân trồng mì trong vụ mùa năm nay. Việc tạm dừng áp thuế đối với mì lát xuất khẩu đã khiến không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này mà cả người nông dân trồng mì thở phào nhẹ nhõm.

Thế mới biết tầm quan trọng của phản biện xã hội trong mọi phương diện của đời sống. Còn nhớ một thời gian dài, dư luận đã dậy lên chuyện lợi - hại của việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Nếu không có sự phản biện từ các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, công nghệ, môi trường, văn hóa, giáo dục...; Nếu dự án và kế hoạch khai thác bô-xít của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam vẫn được tiến hành như lúc đầu, hẳn sẽ không lường được những hậu quả nặng nề và lâu dài không chỉ đối với nền kinh tế mà còn ảnh hưởng rất nặng nề đến bản sắc văn hóa cũng như an sinh xã hội của đông đảo cư dân vùng Tây Nguyên.

Từ câu chuyện của người trồng mì  hôm nay hay vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên từ nhiều năm trước; hay những chủ trương thiếu thuyết phục như cấm người thấp bé, ngực lép, nhẹ cân lái xe máy; cấm xe ngoại tỉnh đi vào thành phố Hà Nội... bị loại bỏ đã cho thấy mỗi chủ trương, mỗi quyết sách muốn được người dân đồng tình chấp nhận thì phải được công khai, minh bạch và phải được phân tích, nhìn nhận ở nhiều góc cạnh. Nói cách khác là phải có sự phản biện xã hội. Có như thế mới tạo được  sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Điều đó cũng sẽ giúp cho xã hội, nền kinh tế giảm thiểu được những cái giá đắt phải trả cho những chủ trương đôi khi rất chủ quan, thiếu khoa học và duy ý chí!

Bảo Khanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu