Thứ 6, 29/03/2024 04:13:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:31, 12/04/2016 GMT+7

Sau những lời tuyên thệ thiêng liêng

Thứ 3, 12/04/2016 | 07:31:00 196 lượt xem

BP - Những ngày qua, hình ảnh các vị nguyên thủ quốc gia, gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sau khi tuyên bố nhậm chức đã đọc lời tuyên thệ trước quốc dân đồng bào cả nước đã thu hút sự quan tâm bàn luận của nhiều người. Rất nhiều ý kiến cho rằng, đây là một nghi thức thiêng liêng đối với những người đứng đầu đất nước, rất cần khôi phục.

Nói khôi phục là bởi trong lịch sử dân tộc, từ năm 1416, người anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng với 18 người cùng chí hướng đã tổ chức hội thề tại Lũng Nhai (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Tại hội thề Lũng Nhai, mọi người đã làm lễ cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức đánh đuổi quân Minh xâm lược. Sau này, trong buổi ra mắt quốc dân đồng bào của các thành viên Ủy ban giải phóng dân tộc ngày 17-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trang trọng đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng cũng không lùi bước”. Lời thề năm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm lay động lòng người, tạo nên sức mạnh hiệu triệu quốc dân đồng bào không phân biệt thành phần, giai cấp, đảng phái, vùng miền, vùng lên hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân, giành lại nền độc lập cho dân tộc.

Vì vậy, việc các vị lãnh đạo chủ chốt của nhà nước thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trong những ngày qua là sự tiếp nối lịch sử chính trị pháp lý của đất nước, là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Dẫu còn có những ý kiến khác nhau, góp ý để hoàn thiện hơn nghi thức tuyên thệ, nhưng rõ ràng lời tuyên thệ long trọng trước nhân dân của các vị lãnh đạo cấp cao nhà nước trong buổi lễ nhậm chức đã tạo nguồn cảm hứng trong đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với việc ủy thác quyền lực của mình.

Tuy nhiên có người đặt câu hỏi, liệu có cơ chế gì để người dân giám sát việc thực hiện những lời tuyên thệ đó? Từ trước tới nay, không chỉ lãnh đạo cấp cao mà ở tất cả các cấp, khi một người được bổ nhiệm vị trí cao hơn cũng thường phát biểu cảm ơn và hứa hẹn trước đồng nghiệp, trước cấp trên, cấp dưới và trước nhân dân. Đã có không ít cán bộ hứa hẹn rất nhiều, rất hay nhưng rồi “lời nói gió bay”. Sau lễ nhậm chức là họ không còn nhớ gì đến những lời hứa nữa!

Rõ ràng, cuộc sống đang đặt ra một vấn đề hết sức nghiêm túc là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát những lời hứa, nhất là với những vị trí lãnh đạo cấp cao. Việc thực hiện những điều đã hứa, đã tuyên thệ phải được thể hiện bằng quy chế trách nhiệm, đạo đức của cán bộ. Phải có cơ chế ràng buộc để lời tuyên thệ của các vị đứng đầu nhà nước là sự bảo đảm chắc chắn, rằng quyền lực nhà nước phải được sử dụng liêm chính vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó cũng chính là lời thề trung thành với những giá trị mà cả dân tộc đang theo đuổi, hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống để đất nước ngày càng thịnh vượng.

Linh Tâm

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu