Thứ 6, 29/03/2024 18:54:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:14, 24/10/2014 GMT+7

“Ruộng, trâu bề bề...”

Thứ 6, 24/10/2014 | 08:14:00 140 lượt xem

BP - Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Theo đề án này, giai đoạn 2011-2015, cả nước phấn đấu đào tạo nghề cho 5,2 triệu lao động nông thôn, trong đó khoảng 4,7 triệu lao động được học nghề (1,6 triệu người học nghề nông nghiệp, 3,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp) và tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%.

Từ thực tiễn cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng có thể khẳng định bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Thu nhập và mức sống của dân cư nông thôn còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở miền núi, vùng sâu, xa vẫn còn ở mức cao, giảm nghèo ở nhiều vùng chưa bền vững. Tâm lý lựa chọn nghề nghiệp của rất nhiều lao động nông thôn vẫn theo phong trào, “đứng núi này trông núi nọ”, thấy nghề nào có nhiều người học thì đăng ký. Điều này dẫn đến tình trạng chất lượng tay nghề, năng suất lao động thấp, khó tìm được việc làm. Một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó có nguyên nhân từ những hạn chế, bất cập ở công tác đào tạo nghề.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cần thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lao động ở địa phương, từ việc xây dựng kế hoạch về việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo đến việc cân đối nguồn và kiểm soát các chỉ tiêu về lao động, công tác dự báo thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước. Đồng thời mở rộng quan hệ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có điều kiện làm việc tốt, thu nhập khá giúp người lao động cải thiện điều kiện sống. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dạy nghề lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của xã hội; phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Mặt khác, cần đổi mới nội dung, chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo cho lao động nông thôn, kết hợp hiệu quả giữa lý thuyết và thực hành. Thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa các phương thức, mô hình đào tạo, đẩy mạnh các hình thức liên kết, phối hợp đào tạo theo các đề án, dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn và thông qua các doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với nông dân. Chú trọng dạy nghề cho thanh niên nông thôn, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách và lao động ở vùng đô thị hóa.

Cha ông ta đã đúc kết “ruộng, trâu bề bề không bằng có nghề trong tay”. Điều đó nói lên tầm quan trọng của nghề nghiệp trong đời sống, việc làm và thu nhập của mỗi người. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vì vậy, thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm cấp thiết góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chính Trực

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu