Thứ 5, 28/03/2024 23:14:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:36, 30/05/2013 GMT+7

Cách làm nông thôn mới ở xã Thống Nhất

Thứ 5, 30/05/2013 | 13:36:00 653 lượt xem

KHI LÒNG DÂN ĐÃ THUẬN

“Giống như tháng trước, hôm nay người dân thôn 5, xã Thống Nhất (Bù Đăng) tập trung lao động công ích tại nhà văn hóa của thôn. Ai có máy phát cỏ thì đem máy phát cỏ. Ai có cuốc thì mang cuốc. Ai làm được việc gì thì mang theo vật dụng làm việc đó. Ai không có vật dụng thì đến gom rác, quét dọn khuôn viên của sân vườn.


Con đường liên tổ 5km được người dân thôn 5 tự góp công, góp sức xây dựng

Bên trong nhà văn hóa, những người thợ xây đang hoàn tất phần sửa chữa giai đoạn cuối cho ngôi nhà chung của thôn. Những người thợ đang tu sửa nhà văn hóa cũng được chọn trong thôn. Thôn chỉ trả tiền ăn, tiền nước uống. Còn tiền công được tính vào lao động công ích để giúp ngôi nhà chung được khang trang hơn. Nguyên vật liệu để sửa chữa lớn cho nhà văn hóa do xã cung cấp. Thôn có bao nhiêu thợ thì huy động bấy nhiêu. Mọi người luân phiên để chỉnh trang nhà văn hóa. Mặc dù làm không công nhưng ai cũng vui và hồ hởi”, Trưởng thôn 5 - ông Đỗ Văn Gia hào hứng kể.

Còn chị Đỗ Thị Hạnh, một người dân trong thôn nói: Lâu lâu mới có một ngày lao động đông vui như thế. Một ngày chứ cả tuần tui cũng làm. Mình làm để có chỗ ngồi, hội họp sạch đẹp cho chính mình chứ có riêng ai đâu.

KHÓ KHĂN NÀO CŨNG VƯỢT QUA

Theo Thôn trưởng thôn 5, 100% diện tích đất nông nghiệp của người dân trong thôn hiện vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 50% lao động trong thôn phải đi làm thuê. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 80%, trong đó dân tộc Tày, Nùng khoảng 50%. Số hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 1/3 số dân của thôn. Phần lớn nguồn thu của người dân phụ thuộc vào cây điều. Thế nhưng năm nay cây điều mất mùa lại mất giá. Giá hạt điều tươi cuối mùa mua tại thôn chỉ còn 8.000 đồng/kg. Vì vậy, việc huy động nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới ở đây là bài toán khó.

Tuy nhiên, tiền có thể thiếu, nhà có thể nghèo nhưng tình làng nghĩa xóm không nghèo, công lao động thì không thiếu. Phát huy thế mạnh này, năm 2012, người dân thôn 5 đã đóng góp trên 100 ngày công lao động để sửa hơn 5km đường sỏi đỏ liên tổ, liên đội. Để đảm bảo 5km đường sỏi đỏ này cứng hóa, người dân còn quyên góp thêm 9 triệu đồng để mua cống, xi măng và thuê xe lu đường. Ngay cả việc lu đường, người dân cũng chỉ trả được chi phí đổ dầu cho xe. Còn công do doanh nghiệp đóng góp. Người dân thôn 5 còn góp công, góp đất tạo điều kiện thuận lợi cho ngành điện đưa ánh sáng về nông thôn. Nhờ vậy năm 2012, người dân thôn 5 và cả xã Thống Nhất đã có điện lưới quốc gia.

Thống Nhất không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Bù Đăng, nhưng hiện đã đạt 5/19 tiêu chí của chương trình. Ngay cả việc lập đồ án quy hoạch cho chương trình xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2020 cũng đã hoàn tất.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Thống Nhất - ông Vũ Đức Hoàng, để chương trình xây dựng nông thôn mới được thuận lợi, trước hết phải tuyên truyền đến từng người dân. Chính quyền địa phương phải huy động được sức dân, phải làm cho dân hiểu được chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân tự bàn, tự làm để phục vụ chính mình.

GẮN VỚI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 03

“Quy hoạch, bưu điện, giáo dục, văn hóa và hệ thống chính trị là 5 tiêu chí về nông thôn mới của xã Thống Nhất đã đạt được trong 2 năm qua. Đạt được kết quả này, ngoài tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức, mỗi cán bộ, đảng viên của xã phải xác định công việc mình làm mỗi ngày. Toàn bộ việc làm hàng ngày của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều được phản ánh qua cuốn Nhật ký làm theo Bác. Cứ nhìn vào cuốn nhật ký, viết vào cuốn nhật ký, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ luôn tự hỏi hôm nay mình đã làm được gì, làm như thế nào, có xứng đáng với lòng tin của dân hay không. Cuốn nhật ký tưởng chừng như nhỏ bé này nhưng luôn là lời nhắc nhở, động viên mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi phong trào hành động cách mạng”, Bí thư đảng ủy xã nói.

Qua 2 năm gắn kết việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, phong trào học và làm theo lời Bác không chỉ được thực hiện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn lan tỏa ra cộng đồng dân cư. Không cần phải đợi đến các ngày lễ lớn, người dân thôn 3 luôn treo cờ. Mỗi gia đình tự làm, tự trang trí cho cột cờ của gia đình mình. Đặc biệt hơn, mỗi gia đình còn treo di ảnh Bác. Mặc dù là ngôi nhà ván còn nhiều chỗ trống, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Cát luôn đặt di ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất. Không chỉ có ảnh Bác, gia đình ông Nông Văn Ngọc còn có cả cờ Tổ quốc gắn với ảnh Bác đặt ở nơi thiêng liêng nhất trong ngôi nhà.

Theo tâm sự của các hộ dân, việc treo cờ Tổ quốc, thờ di ảnh Bác không chỉ làm cho ngôi nhà đẹp lên mà còn là cách để giáo dục con cháu biết được cội nguồn của Đảng, công lao trời biển của Bác mà noi theo. Có thể trong mâm cơm của mỗi gia đình người dân xã Thống Nhất còn thiếu thốn một vài món ăn nhưng đường làng, ngõ xóm luôn được khang trang. Tinh thần của người dân được phấn khích qua từng phong trào hành động cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên biết gắn kết trách nhiệm với cộng đồng dân cư biết tận tâm, tận lực với công việc thì tình làng nghĩa xóm sẽ tốt lên, đời sống kinh tế của người dân cũng theo đó tốt hơn, no đủ hơn.

NHỮNG ĐIỀU CÒN LẠI

Sau 2 năm chung tay xây dựng nông thôn mới, xã Thống Nhất đã có 11km đường liên thôn, liên ấp được làm nên từ công sức của người dân trị giá cả tỷ đồng. Ngoài đường giao thông nông thôn, hệ thống đường điện cũng được người dân tự đầu tư để có điện sinh hoạt trị giá trên 650 triệu đồng. Diện mạo của một xã thuần nông đang từng bước thay đổi theo những tiêu chí của chương trình nông thôn mới.

Tổng diện tích tự nhiên của xã Thống Nhất hiện có 13.865 ha, trong đó có đến 13.500 ha là đất nông nghiệp, nhưng phần lớn diện tích này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thu nhập bình quân đầu người của xã Thống Nhất hiện cũng chỉ đạt 17,5 triệu đồng/năm. Trong khi đó, mức thu nhập của người dân theo tiêu chí nông thôn mới phải đạt 30 triệu đồng/người/năm. Một trong những giải pháp nâng cao mức thu nhập cho người dân trong thời gian tới của xã là đẩy nhanh tiến độ cấp quyền sử dụng đất để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng. Các mô hình kinh tế, nhất là những mô hình kinh tế nhiều tầng trong nông nghiệp cho thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích cần sớm chuyển giao hoặc tập huấn cho người dân. Mặt khác, mỗi người dân phải biết linh động tự xây dựng cho mình một phương thức sản xuất thích hợp cho từng vùng đất, vùng tiểu khí hậu để đảm bảo tính bền vững trong nông nghiệp.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải biết học, biết làm gì mỗi ngày khi đến cơ quan. Cán bộ, công nhân, viên chức phải biết tự hỏi mình đã làm được gì khi rời nhiệm sở cuối ngày. Mỗi người, mỗi hộ dân phải biết tự giải phóng đói nghèo để vươn lên trong cuộc sống. Đó là mô hình, cách làm của xã Thống Nhất trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
45230

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu