Thứ 6, 29/03/2024 17:48:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:02, 25/03/2016 GMT+7

Sai lầm của chúa Trịnh

Thứ 6, 25/03/2016 | 13:02:00 2,263 lượt xem
BP - Ở Trung Quốc thời phong kiến có không ít phụ nữ xinh đẹp khiến đất nước chao đảo, nhân dân lầm than và không ít vương triều đi đến suy vong như Hỷ Muội thời vua Kiệt nhà Hạ, Đát Kỷ thời vua Trụ nhà Thương hay Bao Tự thời vua U Vương nhà Chu ở Trung Quốc thời cổ đại thì thời phong kiến ở Việt Nam có thể liệt Đặng Thị Huệ vào một trong số những người đàn bà như thế.

Theo sử cũ, Đặng Thị Huệ quê ở làng Trà Hương, huyện Phù Đổng, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Bà xuất thân trong gia đình nghèo khó và làm nghề hái chè để kiếm sống. Nhưng nhờ có sắc đẹp nhất vùng nên được tiến vào phủ chúa. Vì xuất thân hèn kém nên ban đầu Đặng Thị Huệ chỉ là nữ tỳ. Một hôm, Tiệp dư Trần Thị Vịnh sai bà bưng một khay hoa đến trước nơi chúa Trịnh Sâm ngồi. Trịnh Sâm nhìn thấy bà rất bằng lòng, bèn ân ái với bà. Từ đó bà ngày càng được Trịnh Sâm yêu quý, phong làm chính cung rồi gọi là Tuyên phi.

Tĩnh đô vương Trịnh Sâm là con của Minh vương Trịnh Doanh. Trong số các chúa Trịnh thì có thể coi Trịnh Sâm là chúa giỏi khi võ công văn trị đều có đủ cả. Về tài văn chương thì Trịnh Sâm nổi tiếng là người hay chữ. Về võ công thì Trịnh Sâm làm được điều mà các chúa Trịnh nổi tiếng là giỏi trước đây như Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Doanh không làm nổi là vượt sông Gianh đánh chiếm tận đô thành của chúa Nguyễn.

Nhiều sử gia than rằng, nếu Thịnh vương Trịnh Sâm mà sống thọ được như Khang vương Trịnh Căn thì lịch sử phong kiến của Việt Nam có thể viết sang trang khác. Nhưng từ sau khi lấy được Thuận Hóa thì Trịnh Sâm bỏ bê chính sự, si mê Đặng Thị Huệ. Thời gian đầu lên ngôi chúa, Trịnh Sâm sáng suốt, sửa sang chính trị bao nhiêu thì sau khi sủng ái Đặng Thị Huệ, Thịnh vương lại càng u mê bấy nhiêu. Bởi vậy, khi đó chính trị suy đồi, nơi kinh đô lắm lời than vãn. Nếu không phải vì bị Đặng Thị Huệ dùng sắc đẹp quyến rũ thì Trịnh Sâm đâu có chết vì tửu sắc khi mới 44 tuổi.

Đặng Thị Huệ có người em là Đặng Lân cậy thế chị làm nhiều điều bại hoại trong kinh thành. Trong cuốn “Tang thương ngẫu lục” Nguyễn Án có chép: Quận mã Đặng Lân là em bà Đặng Tuyên phi của chúa Trịnh Sâm, thường hay ngông càn phạm phép. Y cưỡng gian một người đàn bà không được bèn cắt vú người ta. Người chồng kiện đến quan, y bị bắt giam ở ngục Ngự sử đài rồi vì có Tuyên phi xin cho mà được tha. Tĩnh vương đem nàng quận chúa thứ hai gả cho Lân, các đồ trang liêm và của hồi môn so với các triều đại trước nhiều gấp 10 lần.

Phủ đệ của Lân dựng ở phía tây nam kinh thành Thăng Long, đồ ăn thức dùng đàng hoàng như một vị vương giả. Lân càng làm nhiều sự việc càn rỡ, nuôi trong nhà hơn trăm gia đồng, thường cho đội mũ đeo gươm, ra ngoài chợ phố đi nhung nhăng, uống rượu say đánh người bị thương, quan Kinh doãn không kiềm chế nổi. Mỗi khi Lân đi ra, đem theo đến hàng mấy chục con chó săn, con nào cũng đeo nhạc vàng, khoác áo thêu, hét trước hò sau, lấp cả đường lối. Một lần nhân cơn tức giận, Lân giết chết viên quan nội giám, rồi cắm thanh gươm ở trước cửa để không ai dám vào bắt.

Lý do mà Lân giết chết viên quan nội giám Sử thọ hầu là do bị ông này không cho vào động phòng với con gái của Tĩnh vương, vì chưa đủ tuổi. Lân phạm tội tày đình với con gái yêu của Trịnh Sâm, ấy vậy mà chúa vẫn tha không bắt tội là bởi vì Trịnh Sâm quá si mê Tuyên phi. Cũng vì bị Tuyên phi ngày đêm than khóc mà Trịnh Sâm vốn là người con chí hiếu đã cãi mẹ để làm chuyện phế trưởng lập thứ.

Lời bàn:

Các sử gia đương thời cho rằng, nguyên nhân làm cho cơ đồ vững chắc của họ Trịnh suy vong là vì Trịnh Sâm phế bỏ ngôi thế tử của Trịnh Tông đã trưởng thành để lập con của Tuyên phi Đặng Thị Huệ là Trịnh Cán mới 6 tuổi lên làm thế tử. Và chính vì thế mới tạo ra mầm mống bất ổn giữa phe Trịnh Tông và Trịnh Cán. Sau này, phe kiêu binh tiêu diệt Trịnh Cán, phù Trịnh Tông lên ngôi chúa nhưng lại cậy công rồi làm náo loạn kinh thành. Từ đó cơ đồ vững chắc của họ Trịnh vì thế mà tiêu tan. Song, nguyên nhân chính không phải vậy mà là do sự buông tuồng háo sắc dục nên Trịnh Sâm mới trở thành kẻ bù nhìn trước Đặng Thị Huệ.

Xưa nay người đời vẫn thường hay nói rằng “hồng nhan bạc phận” và số phận của Đặng Thị Huệ sau đó không hề sai với điều này. Vì chỉ một tháng sau khi Trịnh Sâm mất, kiêu binh nổi loạn đưa Trịnh Tông lên ngôi. Hơn tháng sau thì Trịnh Cán bị bệnh qua đời. Còn Đặng Thị Huệ sau đó tự tử bằng thuốc độc. Và không ai khác, chính Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ cùng xã hội đương thời đã sản sinh ra một con thú dữ khát mồi, hãm hiếp, phá phách, giết chóc, coi thường kỷ cương xã hội, chà đạp lên đạo lý, sống dã man, tàn bạo và dâm loạn. Đó là Đặng Mậu Lân, em trai của Đặng Thị Huệ. Tiếc rằng tấm gương tày liếp của người xưa là vậy nhưng thời nay vẫn có người lắm tiền, nhiều của lại sẵn có chức quyền trong tay nên họ cũng nuông chiều các cô chiêu, cậu ấm và trong số đó không ít người trở thành những kẻ phá gia chi tử. 

N.D

  • Từ khóa
109773

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu