Thứ 5, 25/04/2024 13:12:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 13:37, 28/06/2018 GMT+7

Sai một ly, đi... một dặm

Thứ 5, 28/06/2018 | 13:37:00 244 lượt xem
BP - Tục ngữ Việt Nam có câu “Sai một ly, đi một dặm” để răn dạy mọi người khi hành động hay phát ngôn cần suy nghĩ thấu đáo, không nên vội vàng dẫn tới hậu quả khó lường cũng như những tổn thất rất khó bù đắp. Vì vậy, dù bất kỳ hoàn cảnh nào thì lời răn dạy của người xưa vẫn vẹn nguyên giá trị. Câu chuyện sau là bài học đắt giá về sự nông nổi nhất thời đã gây ra nhiều hệ lụy...

Năm 1987, vợ chồng bà P.T.Q (1927) đưa gia đình từ miền Trung vào lập nghiệp tại Đồng Xoài. Tại đây, ông bà Q đã khai phá gần 10 ha đất để trồng điều nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, ông bà cho người con trai duy nhất của mình ra ở riêng để tự tạo dựng cơ nghiệp. Năm 2000, người chồng lâm bệnh qua đời nên bà Q về ở với con trai. Do người chồng chết không để lại di chúc nên cả hai mẹ con cùng canh tác trên diện tích đất rẫy mà gia đình bà đã khai phá từ trước.

Minh họa: S.H

Trong quá trình chung sống với con trai thì phát sinh mâu thuẫn nên bà đã âm thầm cắt hơn 1 ha đất trồng điều sang nhượng cho một hộ dân trong xóm với giá 70 triệu đồng (năm 2003). Hai bên mua bán chỉ bằng giấy viết tay, không có chứng thực của chính quyền địa phương. Mua bán xong, hộ dân này cải tạo lại vườn, chặt bỏ cây điều già trồng xen cây mới và bón phân chăm sóc vườn cây. Phát hiện sự việc, người con trai ngăn cản nhưng không được vì người bán là bà Q, chủ của khu đất. Sau một thời gian ngắn, mẹ con bà Q đoàn tụ về một nhà thì người con trai nhất định lấy lại số đất rẫy mẹ mình đã sang nhượng. Được mẹ ủy quyền đòi lại số tài sản đã sang nhượng, tranh chấp giữa con trai bà Q và người hàng xóm diễn ra rất quyết liệt. Con bà Q không cho người hàng xóm vào thu hoạch điều. Còn người hàng xóm rào lại vườn bít lối đi xuống rẫy của con trai bà Q... Giữa tháng 8-2004, chính quyền địa phương tổ chức hòa giải. Tại đây, gia đình bà Q có nguyện vọng chuộc lại khu vườn. Người hàng xóm đồng ý trả lại đất rẫy nhưng buộc gia đình bà Q phải bồi thường thiệt hại cho mình do không được thu hoạch trong thời gian tranh chấp và công sức họ đã đầu tư... Hòa giải bất thành, chính quyền địa phương đã ra quyết định xử phạt bà Q 500 ngàn đồng vì lý do sang nhượng đất trái phép, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc lên Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài giải quyết theo luật định.

Cuối tháng 12-2004, Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp này và tuyên giao dịch dân sự giữa 2 bên là vô hiệu, buộc người hàng xóm phải trả lại đất cho bà Q. Còn bà Q phải trả lại cho người đã nhận sang nhượng hơn 1 ha đất 204 triệu đồng theo giá trị thực tế của lô đất vào thời điểm năm 2004. Gia đình bà Q không đồng ý vì khi sang nhượng chỉ với giá 70 triệu đồng, nay chuộc lại đã tăng gần 3 lần nên kháng án. Giữa năm 2005, Tòa án nhân dân tỉnh đưa vụ tranh chấp này ra xét xử phúc thẩm theo đơn kháng án của con trai bà Q. Tại đây, hội đồng xét xử đã ra quyết định y án sơ thẩm, tức gia đình bà Q muốn lấy lại đất phải trả cho người mua 204 triệu đồng. Con trai bà Q khiếu nại đến Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị ngành chức năng ở Bình Phước tạm dừng thi hành án và đưa vụ việc xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật. Năm 2008, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp và xác nhận lỗi thuộc về bà Q là 2/3, còn người nhận sang nhượng lỗi 1/3 dẫn tới hợp đồng chuyển nhượng này vô hiệu. Vì vậy, cấp phúc thẩm đã ra quyết định buộc bà Q phải trả lại cho người hàng xóm hơn 254 triệu đồng, tăng hơn 50 triệu đồng so với cấp sơ thẩm đã tuyên. Gia đình bà Q tiếp tục kháng án. Từ đó đến nay, vụ tranh chấp vẫn chưa có hồi kết...

Qua câu chuyện này, chúng tôi muốn đề cập đến bài học mà người xưa đã đúc kết “Sai một ly, đi một dặm”. Chỉ vì việc làm thiếu suy nghĩ nhất thời mà bà Q đã đẩy mình cùng gia đình vào chỗ khó, làm cho con cái phải mất công tốn sức, bỏ bê công việc để đi hầu tòa nhưng kết quả vẫn đang là con số không tròn trĩnh.

Nội Chính

  • Từ khóa
30960

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu