Thứ 6, 26/04/2024 02:07:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:20, 16/11/2018 GMT+7

Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn và bùn hồ sinh học

Thứ 6, 16/11/2018 | 14:20:00 2,971 lượt xem

BP - Với mục tiêu tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vi sinh có chất lượng cao để khắc phục sự thiếu hụt nguồn phân hữu cơ, giúp nông dân trong tỉnh tăng năng suất và chất lượng gần 450 ngàn héc ta cây trồng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) tỉnh (Sở KH-CN) đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KH-CN sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải rắn và bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại tỉnh Bình Phước”. Dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi do Bộ KH-CN trực tiếp quản lý. Mặc dù đang trong quá trình triển khai nhưng dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ nhu cầu cao về phân bón hữu cơ

Bình Phước hiện có 449.586 ha cây trồng, trong đó 17.976 ha trồng cây lương thực có hạt; 483 ha cây công nghiệp hằng năm; 7.404 ha cây ăn trái; 398.568 ha cây công nghiệp lâu năm như: cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, sắn (mì). Để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững thì nhu cầu về sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh rất lớn.

Đào tạo chuyển giao công nghệ

Theo đánh giá điều tra thổ nhưỡng, quá trình thâm canh tăng năng suất do sử dụng quá nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương đã khiến đất bị thoái hóa, chai cứng, các vi sinh vật có ích rất khó phát triển. Để duy trì phát triển bền vững, mỗi héc ta cây trồng ngoài lượng phân chuồng và phân vô cơ, còn cần khoảng 1 tấn phân hữu cơ vi sinh, nhằm cải tạo bổ sung mùn hữu cơ và các chủng vi sinh vật hữu ích cho đất. Với 449.586 ha đang canh tác, Bình Phước cần 449.586 tấn phân vi sinh/năm, trong khi toàn tỉnh chỉ có 3 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh nhưng công suất nhỏ (khoảng 20.000 tấn/năm). Như vậy lượng phân hữu cơ vi sinh còn thiếu khoảng 429.586 tấn/năm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 nhà máy chế biến tinh bột sắn đang hoạt động, công suất 400-1.800 tấn/ngày. Trung bình mỗi ngày công suất tiêu thụ của 6 nhà máy khoảng 5.000 tấn củ sắn tươi. Lượng vỏ lụa và các mẩu vụn củ sắn tính trung bình là 7% khối lượng sắn tươi (tương đương 350 tấn chất thải rắn/ngày). Tính bình quân thời gian hoạt động của các nhà máy khoảng 180 ngày/năm thì lượng chất thải rắn thải ra hằng năm khoảng 63.000 tấn và lượng bùn thải từ các hồ sinh học khoảng 60.000 tấn/năm. Đây là các nguồn chất thải gây ô nhiễm nghiêm trọng vì chứa các chất hữu cơ, xianua, H2S và vi khuẩn gây hại. Nếu có thể sử dụng nguồn bã thải này làm phân hữu cơ vi sinh thì không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn giúp giảm ô nhiễm môi trường.

...Đến đổi mới, sáng tạo trong áp dụng     
công nghệ

Xuất phát từ tình hình kinh tế - xã hội, các vấn đề và điều kiện tại địa phương, Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KH-CN sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải rắn và bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại tỉnh Bình Phước” đã được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh đề xuất và được Bộ KH-CN phê duyệt triển khai.

Công nghệ áp dụng trong dự án do Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam trực tiếp chuyển giao. Đây là kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án cấp quốc gia. Thực hiện dự án, xưởng sản xuất dịch men vi sinh đã được xây dựng với hệ thống thiết bị sản xuất dịch men vi sinh 3 cấp liên hoàn, có chế độ gia nhiệt, ổn nhiệt tự động gắn liền với hệ thống lọc rửa khí, nén khí lưu lượng 140-160lít/phút. Bộ lọc loại được vi khuẩn trong quá trình cung cấp ôxy cho các bình lên men tạo ra dịch men vi sinh có độ thuần chủng cao (108-109 CFU/ml). Xưởng sản xuất dịch men vi sinh của dự án có khả năng xử lý 100 tấn chất thải của nhà máy tinh bột sắn/ngày, chuyển hóa chất thải thành phân hữu cơ có dưỡng chất cao cung cấp cho Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Hudavil Bình Phước.

Cùng với hệ thống thiết bị sản xuất dịch men vi sinh tự động, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên còn cung cấp 8 chủng giống vi sinh vật để đơn vị chủ trì hoàn toàn chủ động trong sản xuất. 8 chủng vi sinh vật này được sản xuất dịch men vi sinh vật trên thiết bị riêng biệt. Việc sử dụng các chủng vi sinh vật theo công nghệ Hudavil thuộc dự án có nhiều điểm khác biệt so với các công nghệ sản xuất phân vi sinh ở Việt Nam. Phần lớn phân vi sinh có mặt 8 chủng vi sinh vật với mật độ đạt 106-108 CFU/g/chủng, khi bón cho cây trồng có tác dụng phát triển nhanh bộ rễ, tăng cường sự trao đổi chất qua tế bào. Các axít amin giúp tăng hàm lượng protein, lipit, tinh bột... làm tăng chất lượng của nông sản. Sự có mặt của 8 chủng vi sinh vật hữu ích này tiếp tục chuyển hóa xác động - thực vật, rễ cây thoái hóa cho vùng rễ của cây trồng, giúp giảm ngộ độc rễ nên cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh.

Hiệu quả THIẾT THỰC

Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã xây dựng được 1 xưởng sản xuất dịch men vi sinh; 1 nhà máy sản xuất 3 dạng phân bón, đã sản xuất hơn 1.000 tấn sản phẩm; 3 mô hình cây trồng ứng dụng sản phẩm của dự án. Sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh Hudavil Bình Phước và hữu cơ đa vi lượng Hudavil Bình Phước của dự án bước đầu được tiêu thụ qua 3 kênh: phục vụ xây dựng mô hình cho 5 loại cây trồng chủ lực trên địa bàn; ký kết theo đơn đặt hàng của các công ty trồng cây công nghiệp, các hợp tác xã; kết hợp với cơ quan khuyến nông - khuyến lâm các huyện sử dụng vào các mô hình trong và ngoài dự án.

Hiệu quả bước đầu của các sản phẩm phân vi sinh và phân hữu cơ đa vi lượng đã được chứng minh qua các mô hình cây trồng triển khai trong vụ 2017-2018. Cụ thể: Đối với cây cao su, hàm lượng mủ tăng 20-30%. Với cây điều, theo báo cáo tổng kết của Chi hội trồng điều thôn Tân Bình, xã Bù Nho (Phú Riềng), năng suất đạt 1,4 tấn/ha, một số hộ đạt 2,5 tấn/ha so với năng suất bình quân của vùng là 1,2 tấn/ha. Năng suất và sản lượng tăng chưa đồng đều có thể do chất lượng của từng vườn cây và lượng bón chưa có thống kê đầy đủ. Theo các ông Nguyễn Thái Lâm và Nguyễn Văn Bẩy (Hợp tác xã nông nghiệp Bù Nho), chất lượng sản phẩm phân bón thể hiện rõ rệt qua vườn điều xanh tốt, cây chắc khỏe, cho chồi, bông lớn và không có dấu hiệu của các loại bệnh như nhiều vườn điều khác trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các mô hình khác (sắn, cà phê, cây ăn trái) đang được triển khai tích cực, đem lại hiệu quả tốt. Cụ thể, trên địa bàn huyện Đồng Phú, diện tích cây sắn bị bệnh khảm lá do vi rút lây lan mạnh ở hầu hết các vườn nhưng theo đánh giá của các hộ đang sử dụng sản phẩm của dự án là Dương Thị Xụng, Lê Văn Lít (xã Tân Phước, huyện Đồng Phú), diện tích sắn của gia đình họ không bị nhiễm bệnh mà phát triển rất tốt. Người dân rất hài lòng với sản phẩm của dự án và tiếp tục sử dụng phân bón này trong các vụ tới.

Đoàn Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN)

  • Từ khóa
94485

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu