Thứ 5, 25/04/2024 14:20:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:47, 07/03/2018 GMT+7

Sản xuất tự phát, hệ lụy nhìn từ cây tiêu

Thứ 4, 07/03/2018 | 08:47:00 130 lượt xem
BP - Ngay từ những ngày đầu năm 2018, nông dân một số nơi trong tỉnh đã phải đối mặt với những khó khăn do mất mùa điều. Thời gian gần đây lại diễn ra tình trạng cây tiêu chết hàng loạt mà không có cách gì để khắc phục. Tiêu chết cả hàng chục ngàn trụ, lan từ huyện Lộc Ninh sang Bù Đốp, Bù Gia Mập, Đồng Phú... Người dân đứng ngồi không yên không chỉ bởi tiêu chết mà còn vì giá hồ tiêu trên thị trường giảm mạnh, khiến người trồng thêm lo lắng.

Diện tích hồ tiêu năm 2017 của cả nước là 152.000 ha, tăng 17,6% so với năm 2016, Bình Phước là tỉnh dẫn đầu với gần 14.000 ha. Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn 2030, diện tích trồng hồ tiêu cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, như vậy diện tích trồng tiêu hiện đã gấp hơn 3 lần quy hoạch. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn (trong đó có Việt Nam) có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu sẽ cao hơn năm 2017 và cao hơn nhu cầu. Các thông số đã nêu cho thấy, việc tăng diện tích cây tiêu theo kiểu “phong trào” của nông dân đã dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Những năm vừa qua, người dân mở rộng diện tích trồng tiêu tự phát, không theo quy hoạch, nên có những vị trí đất không phù hợp cho cây tiêu phát triển. Bên cạnh đó, do trồng ồ ạt theo phong trào nên hầu hết người dân chủ quan không kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng cây giống. Mặt khác, do thời tiết những năm gần đây biến đổi thất thường, mưa nhiều, làm cho cây tiêu bị ngập úng dẫn đến thối rễ và chết dần.

Ở Bình Phước trước đây chỉ có huyện Lộc Ninh trồng tiêu, đến nay gần như huyện, thị nào cũng có cây tiêu. Một số nông dân tưởng rằng trồng tiêu dễ dàng nên dùng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân nhưng đã có không ít trường hợp mua thuốc hoặc phân bón chất lượng kém, khiến cây tiêu chết hàng loạt. Vì thế, nhiều hộ trồng tiêu gặp thất bại, thậm chí là cay đắng từ việc phát triển nông nghiệp theo kiểu “phong trào”. Thấy người ta trồng cây gì và được mùa, được giá cao thì nông dân lại chặt cây cũ, đổ tiền đầu tư trồng cây mới. Điệp khúc “trồng chặt - chặt trồng” là hậu quả đã có tiền lệ. Bây giờ, giá hồ tiêu giảm không bằng 50% giá năm ngoái, tiêu lại chết hàng loạt, người nông dân chỉ biết ngậm ngùi tự trách mình. Nhiều hộ đã phá bỏ vườn tiêu để đầu tư trồng loại cây khác.

Từ thực tế đó, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, lỗi của người nông dân chỉ một phần, mà điều quan trọng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, của ngành nông nghiệp. Một nền nông nghiệp phát triển bền vững, không thể để nông dân làm ăn theo kiểu tự phát, tự bơi mà phải dựa trên nền tảng quy hoạch rõ ràng theo lợi thế vùng miền, khí hậu, thời tiết thích hợp. Mặt khác, nền nông nghiệp đó phải được tư vấn trên cơ sở xu hướng, nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Vào giữa năm 2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khi về làm việc tại tỉnh đã cho rằng: Bình Phước đã tới lúc phải xác định cho mình một chiến lược phát triển, xây dựng nền nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, thật bài bản, căn cơ. Sản xuất cây gì, nuôi con gì không thể để người nông dân tự phát nuôi trồng, mà phải có định hướng, có hướng dẫn khoa học, nắm bắt được xu hướng cung - cầu.

Và, tình trạng cây tiêu hiện nay là một ví dụ điển hình về việc nông dân sản xuất tự phát, tự bơi, đang cần có giải pháp khắc phục.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu