Thứ 7, 20/04/2024 01:56:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:03, 07/11/2019 GMT+7

Sáng tạo hữu ích, thân thiện với môi trường

Thứ 5, 07/11/2019 | 06:03:00 388 lượt xem
BP - Hiện nay, các sản phẩm gỗ nhân tạo rất phong phú, đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu rất lớn của ngành xây dựng và trang trí nội thất. Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm này, ngoài gỗ nguyên liệu còn phải sử dụng một số hóa chất độc hại, ảnh hưởng môi trường và có giá thành cao.

Trước tình hình đó, tiến sĩ Hoàng Hải Hiền ở khu phố Phú Xuân, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài đã nghiên cứu thành công 2 sản phẩm “Xử lý tái sinh các loại keo UF, MUF bị biến chất - đóng rắn” và “Thuốc nhuộm màu đen thân thiện môi trường ứng dụng trong sản xuất gỗ nhân tạo”. 2 sản phẩm này vừa có giá thành rẻ vừa thân thiện môi trường.

“TÁI SINH” KEO HỎNG

Tiến sĩ Hoàng Hải Hiền cho biết, hiện có khá nhiều loại keo dán, tuy nhiên keo ure - formaldehyde (UF) và melamine ure - formaldehyde (MUF) vẫn là 2 loại phổ thông nhất được sử dụng để làm chất kết dính sản xuất các loại gỗ ép, ván ép nhân tạo... Quá trình sản xuất các loại keo UF và MUF là quá trình phản ứng hóa học giữa ure và formaldehyde hay ure + melamine + formaldehyde.

Các loại keo tạo thành là sản phẩm của quá trình trùng ngưng hoặc đồng trùng ngưng, vì vậy khi gặp trường hợp máy bị hỏng, mất điện... làm cho keo bị biến đổi tính chất dẫn đến đóng rắn. Keo bị đóng rắn sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. “Từ các loại keo bị biến chất (coi là phế thải - PV), tôi đã nghiên cứu thành công sản phẩm xử lý tái sinh các loại keo UF, MUF bị hỏng để ứng dụng trong sản xuất gỗ nhân tạo” - tiến sĩ Hiền nói.

Tiến sĩ Hoàng Hải Hiền (bìa trái) thuyết trình sản phẩm trước Hội đồng Ban giám khảo hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 5

Tiến sĩ Hiền chia sẻ thêm, các loại keo UF và MUF đều được tổng hợp dựa trên cơ sở phản ứng của nhóm cacbonyl và amin. Từ đó xác định với độ nhớt của keo bị biến chất như thế nào để đưa vào giai đoạn phản ứng phù hợp, cho ra một loại keo có độ đồng nhất, không bị lắng cặn (keo bị lắng cặn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phun keo).

Quá trình tổng hợp keo UF và MUF thường diễn ra qua 2 giai đoạn chính: tạo metylol ure (monomer - hợp chất thấp phân tử) và phản ứng trùng ngưng để tạo thành polyme. Phản ứng giữa ure và formaldehyde tạo monomer urea có khả năng xảy ra cả trong môi trường bazơ và axít. Từ các kết quả nghiên cứu, tác giả đã chế tạo ra một loại keo có dạng mềm dẻo, đồng thời đã đưa loại keo tái chế này vào sản xuất ván nhân tạo cho kết quả tốt. Tiến sĩ Hiền cho biết: “Kết quả của nghiên cứu này đã được ứng dụng kịp thời xử lý thành công hơn 200 tấn keo bị biến đổi tính chất có nguy cơ đóng rắn tại Công ty FSC Việt Nam (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú) từ cuối năm 2018 đến nửa đầu năm 2019”.

từ THAN ĐEN THÀNH THUỐC NHUỘM MÀU

Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm gỗ nhân tạo khá đa dạng về màu sắc nhưng đặc trưng vẫn là màu xanh và hồng dùng cho ván chống ẩm, màu đỏ dùng cho ván chống cháy và màu đen dùng cho ván sàn. Sử dụng thuốc nhuộm để tạo màu cho vật liệu đã không còn xa lạ trong ngành công nghiệp gỗ nhân tạo. Trên thực tế, nhiều người sử dụng các loại thuốc nhuộm cơ bản và thuốc nhuộm trực tiếp chủ yếu là các loại thuốc nhuộm azo (thuốc nhuộm vải) để nhuộm gỗ. Điều này gây ra các tác động không tốt đến môi trường, giá thành cao; đặc biệt các loại thuốc nhuộm azo có thể tạo ra các hợp chất của nitơ rất độc hại, gây nguy cơ ung thư cho người lao động. Hiện các quốc gia ở châu Âu đã cấm sử dụng thuốc nhuộm azo. Để hướng đến thân thiện với môi trường sống, tiến sĩ Hoàng Hải Hiền đã dùng than đen (muội than) có kích thước hạt nhỏ phân tán trong nước để làm thuốc nhuộm màu cho các loại gỗ nhân tạo có màu đen.

Nguyên liệu để tạo ra keo dán và thuốc nhuộm màu đen cho các loại gỗ nhân tạo (ảnh lớn). Ván gỗ nhân tạo được nhuộm màu từ than đen (ảnh nhỏ)

Để khắc phục những yếu điểm khi đưa bột than đen vào nước như: lắng, vón cục, nổi tạo váng trên mặt nước... tiến sĩ Hiền đã thử nghiệm với các hợp chất thích hợp nhằm tăng khả năng phân tán vào nước. Than đen sau khi được trộn hỗn hợp bằng phương pháp nghiền nhỏ với kích thước hạt đạt từ 1-20µm (micromet).

Khi thử độ phân tán của than đen trong nước cho thấy độ phân tán rất tốt, tốc độ lắng chậm khoảng 20mm/phút. Khi cho vào nước, than đen tạo thành đám mây màu đen sau đó mới chuyển động lan tỏa như khói đen theo hướng xuống đáy bình. Quá trình phân tán diễn ra theo kiểu zíc zác cho đến khi than đen phân tán toàn bộ bình chứa. Từ đó thu được thuốc nhuộm màu đen từ than đen cho các loại gỗ nhân tạo. Người dùng có thể sử dụng loại thuốc này phun vào sợi gỗ trước khi sấy cùng keo và chất đóng rắn. Việc sử dụng không khác so với các loại thuốc nhuộm màu đen đang có trên thị trường.

Kết quả của nghiên cứu này đã được tác giả hợp tác thực hiện cùng Công ty Dorichemical tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó bán sản phẩm cho Công ty FSC Việt Nam sử dụng.

sản phẩm vừa chất, vừa thân thiện môi trường

Tiến sĩ Hoàng Hải Hiền cho biết thêm, 2 sản phẩm được nghiên cứu thành công giúp đem lại rất nhiều lợi ích. Sản phẩm keo tái sinh UF và MUF sử dụng cho gỗ nhân tạo giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Cụ thể, các loại keo bị biến đổi tính chất và bị đóng rắn được liệt vào danh mục các loại chất thải nguy hại. Việc xử lý phải do các đơn vị chuyên trách xử lý theo quy trình nghiêm ngặt với chi phí rất cao, mỗi 1kg keo hỏng nếu thuê các đơn vị xử lý môi trường sẽ tốn khoảng 10.000 đồng/kg, ngoài ra giá thành 1kg keo khoảng từ 8.000-12.000 đồng, như vậy doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn nếu keo bị đóng rắn hàng loạt. Việc nghiên cứu để tái sinh các loại keo này từ keo phế thải sẽ giúp doanh nghiệp không mất tiền thuê xử lý và có thể cứu được keo, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 14 ngàn đồng/kg keo. Không những thế, keo được tái sinh quay lại sản xuất khép kín, không phải chôn lấp, không phải đốt, do vậy không ảnh hưởng đến môi trường sống.

Tại vòng chung khảo hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 5, năm 2018-2019, tổ chức ngày 20-8 vừa qua, 2 sản phẩm “Xử lý tái sinh các loại keo UF, MUF bị biến chất - đóng rắn” và “Thuốc nhuộm màu đen thân thiện môi trường ứng dụng trong sản xuất gỗ nhân tạo” của tiến sĩ Hoàng Hải Hiền được Hội đồng Ban giám khảo hội thi đánh giá cao. Đồng thời, thống nhất trao giải nhì và ba cho 2 sản phẩm này tại lễ tổng kết hội thi lần thứ 5 sắp tới.

Đối với thuốc nhuộm màu đen cho gỗ nhân tạo từ than đen, có giá thành thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm nhập khẩu và lượng sử dụng ít hơn. Do không phải tổng hợp từ các hợp chất phức tạp nên giá thành thấp hơn các loại thuốc nhuộm trực tiếp. Bản chất của than có màu đen tuyền và chịu nhiệt tốt, lượng dùng so với các loại thuốc nhuộm khác cũng giảm đáng kể. Điều này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm ít nhất 1-2kg thuốc nhuộm trên 1m3 ván thành phẩm, trong khi đó, thông thường để sản xuất ván có màu nâu với thuốc nhuộm azo thì sẽ phun khoảng 3-5kg/m3 ván, ván đen thì từ 5-7kg/m3 ván. Đồng thời, các thuốc nhuộm thường bị phai màu khi vào ép nóng với nhiệt độ khoảng 250-3000C. Sản phẩm của tiến sĩ Hiền làm ra có giá thành 16,5 triệu đồng/tấn thuốc nhuộm màu, còn trên thị trường có giá từ 74-120 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, màu đen có nguồn gốc từ than đen nên thân thiện với môi trường, không phát thải các khí độc hại như: hợp chất của nitơ, lưu huỳnh.

Tiến sĩ Hiền chia sẻ: “Trong sản xuất công nghiệp, trách nhiệm về phòng chống ô nhiễm môi trường là rất quan trọng. Vì vậy, thời gian tới, tôi sẽ cố gắng phổ biến phương án xử lý các loại keo bị biến chất đến các công ty có sử dụng keo UF, MUF và sẽ hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm “Thuốc nhuộm màu đen thân thiện môi trường ứng dụng trong sản xuất gỗ nhân tạo”.

Đoàn Hùng

  • Từ khóa
2337

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu