Thứ 5, 28/03/2024 20:13:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:18, 11/09/2018 GMT+7

Sáng tạo thiết bị hữu ích phục vụ tập đánh bóng chuyền

Thứ 3, 11/09/2018 | 14:18:00 848 lượt xem
BP - Tại vòng chấm chung khảo cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XI, năm học 2017-2018, các thành viên hội đồng ban giám khảo rất ấn tượng với sản phẩm “Thiết bị tập đánh bóng chuyền” của em Đặng Hữu Trung Hiếu, học sinh Trường THPT chuyên Bình Long, thị xã Bình Long. Đây là sản phẩm có tính mới, rất hữu ích khi áp dụng thực tế, nhất là ở các trường có dạy bộ môn đánh bóng chuyền.

Trung Hiếu cho biết, khi tập đánh bóng chuyền sẽ cần ít nhất 3 người: đập bóng, cầu nêu và lượm bóng. Vấn đề hạn chế là thời gian lượm bóng lâu và cầu nêu, có khi nêu cao quá hay thấp quá khiến có những cú đánh không chính xác. Do đó, em đã sáng tạo sản phẩm “Thiết bị tập đánh bóng chuyền” nhằm khắc phục những khó khăn đó.

Em Đặng Hữu Trung Hiếu giới thiệu cách làm thiết bị tập đánh bóng chuyền

Vật liệu để làm sản phẩm này gồm: bộ khung bằng sắt; bánh răng; dây đai dùng để đưa bóng từ thùng chứa lên thanh chứa; 2 miếng đệm làm bằng cao su để giữ bóng; động cơ giảm tốc (động cơ có tốc độ quay 130 vòng/phút); cảm biến vật cản hồng ngoại (dùng ánh sáng hồng ngoại để xác định khoảng cách tới vật cản cho độ phản hồi nhanh và rất ít nhiễu do sử dụng mắt nhận và phát tia hồng ngoại theo tần số riêng biệt. Cảm biến có thể chỉnh khoảng cách báo mong muốn thông qua biến trở); mô-đun rơ-le và một adapster (bộ chuyển đổi điện) để chuyển đổi nguồn điện 220V về 12V làm chạy hệ thống.

Lắp ráp phần tự động có 6 chân, trong đó 3 chân dùng để kích tín hiệu, 3 chân nối với đồ điện. Đầu tiên sẽ nối cảm biến hồng ngoại với 3 chân dùng để kích tín hiệu, sau đó nối dây nguồn vào 3 chân này. Tiếp theo sẽ nối 2 dây nguồn của động cơ giảm tốc vào 2 trong 3 chân của rơ-le. Còn phần khung của thiết bị sẽ chia thành 3 phần riêng biệt: phần khung gầm, trục đỡ thanh chứa bóng và thanh chứa bóng. Để khởi động thiết bị, cắm dây nguồn adapster vào ổ điện và dây nguồn của rơ-le.

Cơ cấu giữ và thả bóng được em Hiếu làm ra 2 phiên bản: một phiên bản sẽ giữ nguyên trái bóng (bóng chết) ở giữa hai phần và đợi vận động viên nhảy lên đập. Phiên bản còn lại bóng sẽ tự động thả ra khi thấy vận động viên nhảy lên để đập bóng qua lưới. Trong đó, phiên bản đầu tiên dành cho việc dạy và huấn luyện học sinh mới tham gia bộ môn bóng chuyền. Phiên bản thứ hai dành cho những vận động viên chuyên nghiệp vì họ đã có kỹ năng và cảm giác bóng.

Về nguyên lý hoạt động, bóng sẽ được để ở thùng chứa. Khi khởi động thiết bị, động cơ giảm tốc sẽ hoạt động và làm chuyển động gầu (vật lấy bóng) thông qua dây đai. Gầu sẽ đưa bóng lên thanh chứa ở trên cao. Sau đó, thanh chứa bóng sẽ nghiêng một góc 5o để bóng lăn xuống bộ phận cơ cấu giữ và thả bóng. Ở đầu thanh chứa bóng sẽ được gắn cảm biến hồng ngoại. Khi đầy bóng, cảm biến sẽ nhận được tín hiệu và gửi tín hiệu về mô-đun rơ-le. Từ đó, mô-đun rơ-le sẽ gửi tín hiệu đến động cơ và ngắt động cơ lại. Khi trái bóng được vận động viên đập thì cảm biến sẽ nhận được tín hiệu là thanh chứa bóng chưa đầy, mô-đun rơ-le sẽ kích hoạt động cơ chạy để gầu đưa bóng lên. Chu trình này là một vòng tuần hoàn và liên tục để đảm bảo luôn có bóng trên thanh chứa.

 Hiếu cho biết: “Hiện nay, trên thị trường mặc dù đã có thiết bị giúp việc tập luyện đánh bóng chuyền nhưng chưa mang lại hiệu quả vì cấu tạo đơn giản, bóng chỉ giữ bằng 2 đai cao su. Với thiết bị này, bóng được giữ gần như cố định. Khi đập bóng sẽ bật lại phía người đập gây nguy hiểm cho vận động viên, khiến họ mất cảm giác tập luyện dẫn đến giảm hiệu quả. Thiết bị của em khắc phục được yếu điểm đó. Với các vật liệu dễ tìm và giá thành rẻ có thể trở thành dụng cụ tập luyện phù hợp ở các câu lạc bộ bóng chuyền cũng như trong trường học có dạy bộ môn này”.

Trường Giang

  • Từ khóa
83986

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu