Thứ 6, 29/03/2024 20:24:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:18, 27/08/2019 GMT+7

Sáng tạo vì cuộc sống

Thứ 3, 27/08/2019 | 06:18:00 264 lượt xem
BP - Từ những kiến thức, kỹ năng đã học cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nhiều học sinh trong tỉnh đã sáng tạo các sản phẩm hữu ích, có tính ứng dụng cao vào thực tế để phục vụ cuộc sống.

THUỐC TRỊ BỆNH TỪ LÁ DÓ BẦU

Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ nông dân trồng cây dó bầu để bán hoặc tạo trầm hương, cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, mỗi năm hầu hết người trồng đều phải cắt tỉa cành cây bỏ đi và sau khi thu hoạch các công ty chỉ thu mua phần thân cây. Trong quá trình trồng cây dó bầu, kể từ năm thứ 3, nông dân không phun thuốc sâu và chỉ bón phân 2 lần/năm, do đó lá cây dó bầu có thể trở thành nguồn nguyên liệu sạch cho công nghiệp dược liệu.

Loại lá này chứa chất mangiferin chủ yếu dùng để điều chế thuốc điều trị các bệnh mụn rộp và lở loét, vẩy nến, thủy đậu, zona, viêm loét niêm mạc miệng. Đồng thời hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, bảo vệ mạch máu, bảo vệ gan và hoạt tính giảm đau... Tuy nhiên hiện nay trong ngành công nghiệp dược phẩm, mangiferin chủ yếu được tách từ lá và trái xoài theo nhiều phương pháp. Việc tách chiết mangiferin từ lá dó bầu chưa phổ biến rộng do hạn chế nguồn nguyên liệu.

Từ phải qua: Các em Huỳnh Văn Thắm, Phạm Hồng Quân, Nguyễn Văn Huy Hoàng, lớp 12C Trường THPT chuyên Quang Trung thuyết trình sản phẩm “Phương pháp tách chất mangiferin từ lá dó bầu ứng dụng cho ngành công nghiệp dược phẩm” tại vòng chung khảo cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ XII, năm 2018-2019

Vì những lợi ích đó, các em Huỳnh Văn Thắm, Phạm Hồng Quân, Nguyễn Văn Huy Hoàng, lớp 12C Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) đã nghiên cứu thành công phương pháp tách chiết mangiferin từ lá cây dó bầu để ứng dụng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược phẩm. Nhóm trưởng Huỳnh Văn Thắm cho biết, để thực hiện nghiên cứu các em đã đến thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) thu gom lá cây dó bầu người nông dân không sử dụng. Lá bỏ vào bao sau khi được tỉa khỏi cành để tránh ánh nắng mặt trời làm biến đổi hoạt chất. Nguyên liệu hái về loại bỏ lá bị sâu bệnh, đem rửa sạch, phơi ở nhiệt độ từ 25-270C trong khoảng 7 ngày hoặc sấy ở nhiệt độ 550C trong 1 ngày đến khi khối lượng lá không đổi (độ ẩm

Ban đầu, các em dùng 2kg lá dó bầu thực hiện quá trình chiết nóng bằng ethanol 60% trong 3 giờ ở nhiệt độ 750C và chiết lạnh bằng ethanol 60% trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng. Kết quả quá trình chiết nóng trong 3 giờ ở nhiệt độ 750C có hiệu suất cao hơn. Để làm rõ hơn quá trình nghiên cứu, các em tiếp tục dùng 2kg lá dó bầu thực hiện chiết nóng bằng ethanol lần lượt 30%, 45%, 60%, 75% ở nhiệt độ 750C. Sau khi xem xét, các em nhận thấy quá trình chiết nóng với dung dịch ethanol 60% ở nhiệt độ 750C phù hợp nhất vì tiết kiệm dung môi, lượng kết tinh thu được nhiều và an toàn sản xuất.

Em Nguyễn Văn Huy Hoàng cho biết thêm, sản phẩm của nhóm giúp tiết kiệm tối đa chi phí làm nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp dược phẩm, tăng thu nhập cho nông dân nhờ tận dụng nguồn lá dó bầu. Theo tính toán, 1 ha cây dó bầu trong 1 năm có thể thu gần 43kg mangiferin cho doanh thu từ 171-343 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm của nhóm không dùng chất gây hại sức khỏe con người và tiết kiệm nguồn nguyên liệu, hóa chất, năng lượng tiêu hao trong quá trình tách chiết mangiferin. Tuy nhiên, các em vẫn chưa hài lòng với sản phẩm do hiệu suất tách chiết chưa cao chỉ 44,66% lượng mangiferin có trong lá và điều kiện kết tinh khó khăn. Nếu được hỗ trợ, thời gian tới các em sẽ tiếp tục nghiên cứu đối với rễ và trái cây dó bầu và nghiên cứu thêm để chiết được mangiferin từ lá đạt hiệu quả cao hơn.

XE ĐẠP ĐA NĂNG

Đó là sản phẩm của các em Trần Xuân Trường, lớp 9A1 và Trần Hoàng Minh Thành, lớp 8A2, Trường THCS Minh Hưng (Bù Đăng). Với sản phẩm này có thể khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, dịch bệnh và hướng tới nguồn năng lượng xanh, sạch, gồm các chức năng: sấy quần áo, sạc pin công cộng, tạo nguồn điện dùng trong sinh hoạt, tập thể dục.

Em Trần Xuân Trường chia sẻ, nguyên vật liệu để làm sản phẩm gồm: khung sắt phi 27 được thiết kế có thể thu gọn để dễ dàng di chuyển; phần khung chiếc xe đạp; bạc đạn gối; lồng sấy bằng i-nox (phần bên trong có lưới mịn, chống hư hỏng quần áo); tấm pin năng lượng mặt trời; bình ắc-quy; bộ điều khiển nạp điện; cục phát điện (diamô); công tắc nguồn và hệ thống sấy; bộ biến thế từ 12V lên 220V.

Các em Trần Xuân Trường (bìa trái) và em Trần Hoàng Minh Thành, Trường THCS Minh Hưng (Bù Đăng) giới thiệu nguyên lý hoạt động của sản phẩm “Chiếc xe đạp đa năng”

Quá trình hoạt động, người sử dụng xe mở công tắc nguồn và hệ thống sấy, sau đó dùng chân đạp vào bàn đạp tạo ra lực làm xoay trục nối lồng xoáy. Trong quá trình đạp, người đạp sẽ tăng dần líp để tăng số vòng tua của trục xoáy làm lồng giặt quay nhanh tạo ra lực ly tâm lớn để tách nước ra khỏi quần áo đang ướt. Trong bộ phận này còn có thêm hệ thống tản nhiệt hoạt động nhờ 2 nguồn năng lượng mặt trời và từ sức đạp đã được nạp vào bình ắc-quy giúp việc sấy khô quần áo nhanh hơn và loại bỏ một số vi khuẩn có hại.

Cùng với đó, trong quá trình đạp xe để làm khô đồ sinh hoạt, có gắn diamo nối với trục xoáy bằng một dây curoa giúp sản sinh dòng điện theo dây dẫn dự trữ vào bình ắc-quy. Ngoài ra, thiết bị còn sử dụng nguồn điện lấy từ tấm pin năng lượng mặt trời. Nguồn điện này được truyền vào bộ nạp điện và dự trữ vào bình ắc-quy. 2 nguồn năng lượng này từ bình ắc-quy 12V sẽ qua bộ phận sạc pin thành dòng điện 5V dùng để sạc pin khi cần.

Em Trần Hoàng Minh Thành cho biết thêm, từ dòng điện 12V dự trữ qua bộ biến thế lên 220V để lấy nguồn điện sinh hoạt như: thắp sáng, xem tivi... Điều đặc biệt trong quá trình đạp xe sẽ giúp tiêu hao năng lượng dư thừa trong cơ thể người sử dụng. Chiếc xe đạp đa năng không những giúp tiết kiệm chi phí mà còn tận dụng được nguồn năng lượng sẵn có từ thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Đồng thời đem lại sức khỏe cho con người, phòng chống một số bệnh nguy hiểm do ít vận động. Thời gian tới, các em tiếp tục nghiên cứu vì sản phẩm mới chỉ ở dạng một thiết bị hoạt động với công suất nhỏ, cũng như thiết kế thêm mái che tự động để đặt sản phẩm ở vị trí công cộng ngoài trời. 

THUỐC SINH HỌC TRỊ BỆNH CHO RAU

Ngoài dành thời gian học tập, các em Thạch Thị Trà My và Phu Quang Bình, học sinh lớp 9A2, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Phú (Đồng Phú) cũng rất đam mê sáng tạo khoa học. Một số nghiên cứu nhỏ của các em được thầy, cô giáo đánh giá khá cao, trong đó điển hình là sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học để trị bệnh cho rau.

Em Thạch Thị Trà My, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Phú thuyết trình sản phẩm trước Hội đồng Ban giám khảo cuộc thi sáng tạo

Em My cho biết, hiện nay còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng, trừ sâu bệnh cho rau, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sống. Từ đó, các em sáng tạo thành công thuốc trừ sâu sinh học từ ớt, tỏi, gừng và cồn. Ớt, tỏi, gừng và cồn chứa hàm lượng axít có tác động đến các bộ phận như mắt, da của những loài sâu, ốc sên gây hại cây trồng. Thuốc tác động đến côn trùng gây hại bằng cách gây sự ngán ăn, xua đuổi, ngăn sự lột xác của côn trùng và hạn chế đẻ trứng, giảm khả năng sinh sản.

Cách pha chế loại thuốc khá đơn giản: 100gr tỏi, 100gr ớt, 100gr gừng và 100ml cồn 900 cho vào 3 bình thủy tinh (tỏi, ớt, gừng đã được giã nát hoặc xay nhuyễn) rồi ngâm trong 3-5 ngày cho lên men. Sau đó, chắt lấy dịch chiết pha các loại hợp chất nêu trên theo tỷ lệ 1:2:1 (tỏi 1, ớt 2 và gừng 1) rồi phun trực tiếp lên cây rau, ướt đều và phun nhẹ theo chiều gió tránh hơi cay vào mắt người phun. Loại thuốc trừ sâu sinh học này có thời gian sử dụng từ 4-5 tháng, giúp tiêu diệt, xua đuổi sinh vật gây hại rau. Sản phẩm có giá thành rất rẻ, dễ làm, tiết kiệm chi phí trong trị bệnh cho rau. Đồng thời giúp tăng cường chất dinh dưỡng cho đất, không ảnh hưởng đến môi trường và không để lại dư lượng trên cây cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe người sử dụng.

Trường Giang

  • Từ khóa
88806

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu