Thứ 5, 18/04/2024 16:16:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:02, 13/09/2019 GMT+7

Sao nỡ hủy diệt giống nòi?

Thứ 6, 13/09/2019 | 09:02:00 228 lượt xem

BP - Thực phẩm bẩn, tẩm hóa chất độc hại, thậm chí có tên sản phẩm nhưng chỉ là hóa chất hòa với nước lã... đang bày bán tràn lan trên thị trường, khiến người tiêu dùng bất an. Thời gian qua, nhiều người đã biết đến “cà phê” muốn mùi nào có mùi đó như: Arabica, Cà phê Culi, Cherry (cà phê mít), Moka, Robusta hay trà sữa cam, cà phê, socola... chỉ cần hóa chất hòa với nước khiến nhiều người sởn tóc gáy. Và đầu tháng 9 này, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Phúc Khang ở Bình Dương đã thừa nhận “công nghệ pha chế” hóa chất chưa rõ nguồn gốc với nước rồi dán nhãn hiệu nước mắm cá cơm nguyên chất bán ra thị trường.

Đáng chú ý, Cục Quản lý thị trường tỉnh này phối hợp Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) bất ngờ kiểm tra không chỉ tạm giữ hơn 550 lít nguyên liệu chưa rõ nguồn gốc để sản xuất nước mắm, mà còn phát hiện khu vực chứa đựng nguyên liệu, nơi chế biến, bảo quản không cách biệt với nguồn nước bị ô nhiễm; hệ thống lọc nước lạnh để làm nước mắm được gắn trong nhà vệ sinh. Thông tin này khiến nhiều người không khỏi rùng mình khi nghĩ đến mâm cơm nhà mình lâu nay vẫn có sự xuất hiện của nước mắm cá cơm Phúc Khang.

Thông thường, sản phẩm bị nhiễm độc dùng chế biến thành món ăn có thể gây ngộ độc ngay. Đơn cử, ngày 9-9, sau khi ăn tiệc tại một gia đình ở Thanh Hóa, hơn 40 người đã phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm; hay 240 học sinh dự tiệc liên hoan và ăn cơm tại Đắk Nông bị ngộ độc phải cấp cứu vào cuối tháng 8; hơn 260 người nhập viện do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn đám cưới tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào ngày 14-7 vừa qua... Nhưng cũng có loại thực phẩm bẩn không gây tổn hại sức khỏe ngay tức khắc mà ủ bệnh thời gian dài, là nguyên nhân xuất hiện những bệnh lạ, ung thư...

Tuy nhiên, vấn đề xử lý những kẻ dã tâm kinh doanh thực phẩm độc hại, hủy diệt đồng loại chưa được quan tâm đúng mức; chưa xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng nên nhiều năm qua, tình trạng thực phẩm bẩn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều cơ sở sản xuất bánh mì, bánh ngọt dùng cả hóa chất tạo xốp, tạo nở trong chế biến cao su. Nhiều loại sữa nhập khẩu có hàm lượng protein thấp so với tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Hơn thế nữa là sữa nhiễm cả melamine. Trong “cơn bão” về “lỗ hổng” trách nhiệm của các cấp quản lý, tư thương bất chính “đục nước béo cò”, hàng trăm, hàng ngàn tấn chân gà, đùi gà, lòng heo, heo sữa, cá biển... bị phân hủy bốc mùi, thối rữa, chuyển màu xanh chỉ bằng hóa chất công nghiệp như sunfua dioxit (SO2) trong chất “tẩy đường”, kalinitrat (KNO3) trong bột săm-pết... lại thành thực phẩm thơm ngon được tiêu thụ từ nhà hàng, bếp ăn tập thể trường học. Người tiêu dùng không thể thông thái để nhận biết chất lượng khi thực phẩm đã được “phù phép” rất tinh vi... Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, có 35% số nạn nhân trên thế giới mắc bệnh ung thư liên quan đến thực phẩm và cách ăn uống thường ngày.

Nhiều người đã bức xúc lên tiếng, không chỉ phạt tiền, tịch thu tài sản (từ nguồn thu bất chính do bán thực phẩm bẩn) mà cần xem xét xử lý hình sự với mức án cao nhất là tử hình để nghiêm khắc răn đe những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Còn nếu các đơn vị có chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm không “chiến đấu” bảo vệ người tiêu dùng mà thờ ơ nhìn đồng loại bị đầu độc bằng thực phẩm bẩn thì chắc chắn hệ lụy còn kéo dài cả tới đời con, cháu...

An Nhiên

  • Từ khóa
109187

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu