Thứ 3, 23/04/2024 18:57:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:36, 19/10/2017 GMT+7

Sao phải là... biên chế

Thứ 5, 19/10/2017 | 09:36:00 142 lượt xem
BP - Tuần qua, câu chuyện về em Bùi Thị Hà, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 phải ở nhà nuôi heo hơn 1 năm vì không tìm được việc làm đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Sau khi chuyện của Hà đăng trên một số tờ báo, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, phần đông dư luận cho rằng, nếu là một người giỏi thì tại sao phải bám víu vào hai từ “biên chế”, mà không chọn con đường lập thân khác?

Hà là con thứ 2 trong gia đình nghèo có 3 chị em mồ côi cha tại thành phố Hà Giang (Hà Giang). Năm 2016, Hà là một trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng thủ khoa, Hà về quê với mơ ước trở thành cô giáo dạy Văn. Thế nhưng, Hà không xin được việc phải ở nhà phụ mẹ nuôi heo, trồng rau, bán trái cây ngoài chợ... Qua chuyện của Hà cho thấy, nghề sư phạm ở nước ta đang thực sự “ế ẩm”. Và dư luận có quyền đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo của ngành sư phạm hiện nay như thế nào khi điểm sàn đầu vào 3 môn lại quá thấp so với nhiều ngành nghề khác. Thậm chí, nhiều em sau khi tốt nghiệp xin được việc làm nhưng cũng phải đào tạo lại cho phù hợp với thực tế. Còn trường hợp của Hà nếu cứ bám víu vào danh hiệu “thủ khoa” để được biên chế thì liệu có xứng đáng hay không? Bởi học đại học không hẳn để vào biên chế nhà nước và không hẳn để làm ông nọ bà kia, mà đi học là để trang bị kiến thức, tri thức cho bản thân trước khi bước vào cuộc đời. Với kiến thức sẵn có thì sẽ có rất nhiều cánh cửa hướng tới tương lai chứ không riêng gì 1 suất biên chế. 1 kỹ sư có thể rời bỏ công xưởng, phòng thí nghiệm... vì nhiều lý do để về với đồng ruộng. Với năng lực, trí tuệ của bản thân, họ có thể tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và làm giàu cho bản thân. 1 cử nhân sư phạm nếu có năng lực thực sự thì không nhất thiết phải trở thành giáo viên, mà có thể làm bất cứ việc gì có ích cho xã hội, gia đình và bản thân. Đất nước ta có rất nhiều sinh viên sư phạm, bách khoa... lên đường nhập ngũ và họ đã trở thành những sĩ quan ưu tú của quân đội. Ngày nay, nhiều người tốt nghiệp 2, 3 trường đại học nhưng phải đi làm công nhân khu công nghiệp vì yếu năng lực. Với Hà, bây giờ em mới chỉ 23 tuổi đang tràn đầy sức sống thì đừng nên bám vào 2 từ “thủ khoa” để xin vào biên chế nhà nước. Bởi em có năng lực thực sự thì hãy tự thân vận động để khẳng định năng lực bản thân.

Tại Bình Phước, những năm qua có rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường làm trái nghề. Đặc biệt, có nông dân không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nhưng bằng trí tuệ, năng lực của mình họ đã có rất nhiều sáng chế hữu ích. Đó là trường hợp lão nông Mai Văn Cúc (68 tuổi) ở xã Minh Lập (Chơn Thành) sáng chế “Chiếc bẫy sinh học” diệt các sinh vật gây hại cây trồng. Hay anh Nguyễn Văn Vương (37 tuổi), ở thị xã Phước Long chế tạo máy ấp trứng vịt trời thu về hàng trăm triệu đồng/năm... Hơn nữa, trong điều kiện cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế thì những ai còn nặng “danh hiệu này nọ” mà không có năng lực thực sự thì dù được tuyển, sớm muộn cũng sẽ bị thải hồi.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108741

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu